Cần chuyên nghiệp, chuyên tâm
Hiệu quả từ việc mở rộng lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ra toàn bộ các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội trong một năm qua đang khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng cho thấy rõ vai trò của lực lượng chốt chặn quan trọng này đối với một vấn đề quan trọng, được xã hội quan tâm là an toàn thực phẩm.
Điểm nổi bật sau một năm Hà Nội thực hiện mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm là công tác thanh tra được tăng cường, nhờ vậy số vụ vi phạm giảm hơn so với trước. Người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng nâng cao ý thức, tự giác thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định. Kết quả tích cực này giúp người tiêu dùng thuận lợi trong tiếp cận với thực phẩm sạch, an toàn, mối lo “thực phẩm bẩn” cũng giảm đi.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung có một thực tế đặt ra là ở tuyến xã, phường, thị trấn, hoạt động này còn yếu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu ổn định về nhân sự khi phải kiêm nhiệm, luân chuyển công tác... Đây là một nghịch lý nếu xét về mặt chức năng, nhiệm vụ được giao là “thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm” - một lĩnh vực đòi hỏi tính ổn định với chuyên môn, nghiệp vụ vững, hiểu biết về pháp luật.
Hà Nội là địa bàn có dân số đông, số lượng nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn. Thực tế này đòi hỏi lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm không chỉ đáp ứng đủ về số lượng mà phải thực sự chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ.
Đòi hỏi đặt ra với các địa phương là phải tiếp tục kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm bảo đảm về số lượng và yêu cầu về chuyên môn. Trong điều kiện có thể, cần giữ ổn định về nhân sự, giúp họ yên tâm với công việc, tích cực trau dồi kinh nghiệm, kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với đó là quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quan trọng này. Bởi ngoài các cửa hàng truyền thống, thương mại điện tử đang phát triển, đòi hỏi phải có những công cụ, trang thiết bị, kỹ năng tương ứng mới có thể kiểm soát toàn diện vấn đề an toàn thực phẩm.
Thực tế, việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về thanh tra an toàn thực phẩm là rất cần thiết và đã được ngành Y tế Thủ đô chú trọng. Tuy vậy, nội dung những lớp học này cần bám sát thực tế, cập nhật được kiến thức, pháp luật mới về an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể cách thức thanh tra, kiểm tra và xử phạt khi phát hiện vi phạm.
Với những người làm công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực này, yêu cầu quan trọng là phải có tinh thần trách nhiệm cao khi thực thi công việc, xử lý nghiêm, kiên quyết với những trường hợp vi phạm; có ý thức tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt những kinh nghiệm, yêu cầu mới trong công việc.
Đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến... thực phẩm cần thực hiện đúng các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm; không nên làm ăn theo kiểu chộp giật, lừa dối khách hàng khi kinh doanh những thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Về phía người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, phối hợp, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng bằng việc cung cấp thông tin kịp thời nếu phát hiện hoặc nghi ngờ các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm. Bởi, người dân chính là “tai mắt” giúp lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm làm tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Thực thi công việc chuyên nghiệp, chuyên tâm sẽ giúp lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm hoàn thành tốt trọng trách của mình.