Cần có biện pháp quản lý hiệu quả vũ khí thô sơ

Thời gian qua, trên phạm vi cả nước xảy ra hàng chục nghìn vụ phạm pháp hình sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí thô sơ như dao, kiếm..., trong đó có nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội và gây hoang mang trong dư luận.

Tuy nhiên, đến nay, công tác quản lý các loại vũ khí thô sơ vẫn còn nhiều bất cập và thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để quản lý vũ khí thô sơ, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo thống kê của Bộ Công an, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2018), trong tổng số 28.715 vụ đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.

Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%). Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao như dao bầu, dao phay, dao quắm... giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Ngày 6/4/2024, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối tượng Vũ Quốc Sơn (trú tại phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) để điều tra về hành vi giết người.

Trước đó, ngày 15/3/2024, Sơn điều khiển xe máy đến nhà một người quen ở cùng phường ăn nhậu. Tại đây, Sơn đã gặp ông Phan Tiến Công. Sau khi nhậu xong, Sơn lên ghế ở phòng khách nằm nghỉ thì ông Công cầm một con dao dài khoảng 20 cm đến nắm cổ áo Sơn hù dọa và dùng tay tát Sơn. Vì bực tức nên Sơn vào bếp lấy một con dao bầu dài khoảng 30 cm đâm trúng vùng ngực của ông Công, khiến nạn nhân bị thương nặng và tử vong trên đường tới bệnh viện.

Theo Bộ Công an, các hành vi sử dụng dao để phạm tội không chỉ xảy ra ở những vụ việc mâu thuẫn cá nhân mang tính bột phát, mà trên thực tế hiện nay, tình trạng các đối tượng là thanh thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn, hàn thêm tuýp sắt dài để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đe dọa người dân để cướp tài sản xảy ra ở nhiều địa phương.

Vừa qua, Công an huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bốn đối tượng, gồm Trần Hữu Quang, Trần Trung Hiếu, Trần Văn Chiến (cùng trú tại Tổ 2, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) và Đàm Gia Long (trú tại Tổ 6, phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình) về tội cướp tài sản. Trước đó, tối 7/3/2024, Công an huyện Đông Hưng nhận được trình báo của em Phạm Tiến Th. (trú tại thôn Phú Vinh, xã Minh Phú, huyện Đông Hưng) về việc bị cướp tài sản. Khoảng 20 giờ ngày 7/3, tại đoạn đường đê thuộc thôn Phương Cúc, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, em Th. điều khiển xe mô-tô nhãn hiệu Honda Wave 50cc hướng từ thành phố Thái Bình đi về xã Đông Dương thì bị bốn nam thanh niên đi trên hai xe gắn máy không đeo biển kiểm soát đi cùng chiều, từ phía sau vượt lên chặn xe rồi dùng dao đe dọa, yêu cầu đưa hết tài sản. Sau đó hai đối tượng lục soát người Th. nhưng không có tài sản gì nên bỏ đi. Th. tiếp tục đi được khoảng hơn 300m thì các đối tượng tiếp tục chặn lại và cướp chiếc xe máy của Th.

Không chỉ sử dụng dao để thực hiện các hành vi cướp giật, gây rối trật tự công cộng, nhiều đối tượng còn manh động dùng dao tấn công các lực lượng làm nhiệm vụ, khiến một số cán bộ, chiến sĩ công an bị thương hoặc hy sinh. Ngày 17/1/2024, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Tấn Sang (sinh năm 1999, trú tại phường Thủy Vân, thành phố Huế) về hành vi giết người.

Trước đó, vào khoảng 17 giờ ngày 12/1, sau khi nhận được thông tin đối tượng Nguyễn Tấn Sang chặn các phương tiện giao thông trên đường Lê Đức Anh, phường Thủy Vân, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, Đại úy Trần Duy Hùng, Phó Trưởng Công an phường Thủy Vân và Trung úy Dương Văn Minh Hiếu cùng bảo vệ dân phố nhanh chóng đến hiện trường để vận động, nhắc nhở và yêu cầu đối tượng Sang quay trở lại nhà. Tuy nhiên, Sang không chấp hành yêu cầu của lực lượng công an và có thái độ hung hãn, xô xát với lực lượng chức năng. Tổ công tác đã đưa đối tượng rời khỏi khu vực đường Lê Đức Anh, vào gần cổng nhà.

Lúc này, đối tượng vùng chạy vào trong nhà và chạy ra cầm theo một con dao nhọn tấn công Tổ công tác. Trước hành vi nguy hiểm của đối tượng Sang, Đại úy Trần Duy Hùng và các đồng chí khác đã áp sát khống chế, bắt giữ đối tượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tiếp cận đối tượng, Đại úy Trần Duy Hùng đã bị đối tượng đâm nhiều nhát vào cổ và ngực. Mặc dù đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tập trung cấp cứu, nhưng Đại úy Trần Duy Hùng đã không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Theo Bộ Công an, hiện nay, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động. Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành không quy định dao là vũ khí, cho nên không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí.

Trong khi đó, Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chỉ xử lý hình sự đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ khi đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích. Những bất cập nêu trên đã gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý các loại vũ khí thô sơ, cũng như gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý hành vi tàng trữ loại vũ khí này.

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), theo hướng đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ để quản lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dao có tính sát thương cao, nhưng cũng là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Do vậy, nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân.

Các chuyên gia về pháp luật cho rằng, bên cạnh việc nghiên cứu để đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả các loại vũ khí có tính sát thương cao như dao nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/can-co-bien-phap-quan-ly-hieu-qua-vu-khi-tho-so-post385186.html