Cần có Bộ Luật công nghiệp hỗ trợ để 'thoát kiếp' gia công

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình với quan điểm nên nghiên cứu một Bộ Luật công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Bởi phát triển công nghiệp hỗ trợ chính là thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước hướng tới nền kinh tế độc lập tự chủ.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn Hà Nội nêu 3 vấn đề: Thứ nhất, ngày mai Quốc hội bấm nút đề án tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, vẫn sẽ giữ nguyên mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Tôi cho rằng không thể đạt được nếu có giải pháp đột phá nào về chính sách. Vậy Bộ chuẩn bị giải pháp gì mang tính đột phá chưa?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Thứ hai, nền kinh tế nước ta chủ yếu là gia công, chúng ta cần có giải pháp đột phá gì thưa Bộ trưởng để cải thiện tình trạng này. Bao giờ có Luật công nghiệp hỗ trợ? Thứ ba, bao giờ Bộ hoàn thiện, trình khuôn khổ pháp lý cho khu vực hộ kinh doanh, đây là khu vực quan trọng liên quan đến sinh kế của hàng triệu người dân.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tại nhiệm kỳ trước, trên thực tế là không đạt được. Trên cơ sở tốc độ thành lập mới doanh nghiệp, trong điều kiện thuận lợi, môi trường thuận lợi như hiện nay đang khuyến khích, hỗ trợ thì kỳ vọng có thể phấn đấu được mục tiêu trên. Tuy nhiên, chúng ta cần có giải pháp căn cơ và đột phá hơn với câu chuyện này.

Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tập trung vào các chính sách đã nêu trong luật để hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới và có thể hoạt động được. Phải tạo được niềm tin để các doanh nhân, doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp, tham gia đầu tư.

Ngoài ra, những chương trình đang triển khai như chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như Nghị định 57 hoặc đầu tư trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao… sẽ góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Liên quan đến khu vực hộ kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, thời gian tới phải thể chế hóa để quản lý hiệu quả hơn 5 triệu hộ kinh doanh, với 8 triệu lao động, từ đó hỗ trợ, điều kiện cho khu vực này phát triển, đóng góp thiết thực hơn cho nền kinh tế.

Tại nhiệm kỳ trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất là đưa vào bổ sung trong Luật Doanh nghiệp, nhưng Quốc hội đề nghị là nên tách ra thành một luật riêng. Sắp tới, Bộ sẽ báo cáo lại Chính phủ trong thời gian có thể xây dựng một luật riêng để tạo điều kiện phát triển và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế từ các hộ kinh doanh. Khi đó các hộ kinh doanh có thể "lớn" lên và chuyển thành doanh nghiệp thì mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp mới có thể sẽ đạt được.

Về Luật công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề này thuộc về trách nhiệm Bộ Công Thương, nhưng tôi ủng hộ. Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải có công nghiệp phát triển, muốn công nghiệp phát triển thì công nghiệp hỗ trợ phải phát triển, mà muốn phát triển thì phải có bộ luật riêng. Nội dung này qua các hội thảo và các chuyên gia đã đề cập rất nhiều.

“Nếu không có một bộ luật riêng thì chính sách để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ là rất khó và khi đó chúng ta cũng chỉ gia công lắp ráp thôi, theo đó giá trị gia tăng rất thấp. Chính vì vậy tôi đồng tình quan điểm phải có bộ luật riêng về công nghiệp hỗ trợ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, phát triển công nghiệp hỗ trợ chính là thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước hướng tới nền kinh tế độc lập tự chủ.

Giải pháp nào để phục hồi và phát triển kinh tế hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chất vấn, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt để thực hiện thành công mục tiêu kép, đại biểu rất đồng tình với chương trình phục hồi kinh tế sau dịch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, đề nghị Bộ trưởng cho biết những chính sách và giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới có hiệu quả?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện mục tiêu trên Bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp như sau: Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, theo đó hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...

Thứ ba, là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tổn thương rất nhiều và khả năng chống chịu đã bị bào mòn, đặc biệt một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Về các chính sách chung, Bộ sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, có một số các chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...

Thứ tư, là phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP để thực hiện các hạ tầng này; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi...

Thứ năm, là tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-co-bo-luat-cong-nghiep-ho-tro-de-thoat-kiep-gia-cong-167213.html