Cần có cách tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc
Mỗi địa phương của Trung Quốc đều có một quy mô kinh tế lớn và khác biệt, cùng với những thói quen tiêu dùng, những yêu cầu khác nhau về mặt hàng sản phẩm và bao bì, kể cả thực phẩm và nông sản. Bộ Công thương cho rằng: 'Chúng ta cần phải nhìn nhận như thế để có cách thức tiếp cận tốt hơn, chứ không phải chỉ xem Trung Quốc là một thị trường chung'.
Phải xác định mỗi tỉnh của Trung Quốc là một thị trường lớn
Theo Bộ Công thương, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng XNK với Trung Quốc trong tổng XNK của Việt Nam chiếm đến 24%. Xét về ngành hàng, đất nước hơn 1 tỷ dân này là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; của sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; của cao su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường XK lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Mỹvà Nhật Bản).
“Chúng ta thường nhắc đến tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh, mở rộng những thị trường mới. Tuy nhiên, trước khi muốn làm được điều đó, cần phải đảm bảo việc giữ được những thị trường truyền thống bấy lâu nay, trong đó có thị trường Trung Quốc” - ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh.
Những năm vừa qua, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng thay đổi, theo hướng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn XNK, quy cách đóng gói, truy xuất xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, phía bạn cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn hơn nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu từ các nước, trong đó có lệnh 248 và 249.
Ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, lệnh 248 và 249 dựa trên các quy định trước đó của Trung Quốc, chú trọng vào vệ sinh an toàn thực phẩm, quy rõ trách nhiệm của từng khâu. “Hai lệnh này được coi là kim chỉ nam trong hoạt động nhập khẩu. Chúng tôi cũng đã đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu kỹ về hai lệnh này” - ông Lỗ Siêu nói.
Thực tế, thời gian qua, hoạt động XK của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực theo hướng xác định Trung Quốc là thị trường khắt khe. Tuy nhiên, theo ông Tô Ngọc Sơn, bên cạnh việc cập nhật xu hướng mới, hướng tới sản xuất chất lượng cao, thì cần phải tăng cường tiếp cận vùng, với từng địa phương ở Trung Quốc bởi mỗi tỉnh của Trung Quốc là một thị trường lớn với thói quen, nhu cầu tiêu dùng khác nhau.
Minh bạch thông tin thị trường
Thông tin về tình hình thương mại, kinh tế biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc khẳng định, Quảng Tây vẫn sẽ là trọng điểm trong XK nông sản Việt Nam sang Trung Quốc với nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển. Hiện, kim ngạch thương mại XNK của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây chiếm 95% tổng kim ngạch thương mại biên giới Việt - Trung.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh XK rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng XK chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng. Do đó, cần đẩy mạnh đàm phán ký hiệp định thư đối với các mặt hàng còn lại.
Nhấn mạnh Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ một số thay đổi của thị trường này như: Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để đáp ứng với những yêu cầu ngày càng cao của Trung Quốc, ông Đạt đề xuất đưa các vấn đề về đàm phán rào cản kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản vào nội dung các cuộc họp cấp cao.
Nhận định năm 2023, hoạt động XNK sẽ có nhiều khó khăn hơn so với năm 2022, ông Nguyễn Như Tiếp, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt lệnh 248, 249, trong đó hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30/6/2023. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa. “Bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, chúng ta cần có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng vùng nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại” - ông Tiệp chia sẻ.
Bàn về giải pháp thúc đẩy XK sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là qua thị trường tỉnh Quảng Tây, ông Tô Ngọc Sơn nêu khuyến nghị, nên chuyển dần từ XK tiểu ngạch sang chính ngạch. Còn ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây kiến nghị, phía Việt Nam cần tạo điều kiện cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Doanh nghiệp hai bên cũng cần bàn bạc, đàm phán kỹ để thông quan thuận lợi. Sắp tới, Hội chợ thường niên Trung Quốc - ASEAN sẽ đươc tổ chức tại thủ phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Ông Ba hy vọng, doanh nghiệp hai bên sẽ gặp nhau tại đây và có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Dự án “Chợ trái cây quốc tế” tại Trung Quốc khởi động trong năm 2022 và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là Nam Ninh - địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.
Ông Thiệu cũng đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép XK vào Trung Quốc.