Cần cơ chế chính sách cho phát triển điện khí năng lượng xanh, bền vững

Ngày 24/1/2024, tại hội thảo phát triển điện khí (LNG) ở Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp trong việc triển khai các dự án LNG nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cam kết quốc tế, đảm bảo phục vụ dân sinh và nền kinh tế của Chính phủ.

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khẳng định, việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam, song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực.

Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho hay, đầu tư cho phát triển LNG mở ra nhiều cơ hội nhưng thiếu khung pháp lý, giá mua bán sản phẩm... Đây là khúc mắc cần khơi thông để việc phát triển LNG trong năm 2024, đáp ứng mục tiêu Quy hoạch điện VIII của Chính phủ.

Cần cơ chế chính sách cho phát triển điện khí năng lượng xanh, bền vững. Ảnh: Hải Anh

Cần cơ chế chính sách cho phát triển điện khí năng lượng xanh, bền vững. Ảnh: Hải Anh

Đồng thuận với ý kiến nêu trên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khúc mắc là để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.

Để phát triển điện khí LNG, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng như các chuyên gia kinh tế đều nhận định, thực hiện mục tiêu Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách.

Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.

Tiếp đến, Chính phủ cần quan tâm sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thu hút đầu tư vào các dự án điện khí.

Tại hội thảo, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất, cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng.

Đồng thời, cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên các quy hoạch này để bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy sản xuất điện khí.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-co-che-chinh-sach-cho-phat-trien-dien-khi-nang-luong-xanh-ben-vung-144134.html