Cần cơ chế đặc thù cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển:Bài 2: Cần giải pháp mang tính đặc thù
Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội là hướng đi được nhiều người theo đuổi và là giải pháp để chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông thôn. Hiện thành phố Hà Nội đã định hướng 6 mô hình thí điểm ở 6 huyện, song nếu không có cơ chế và hành lang pháp lý rõ ràng về đất đai, quy hoạch, mô hình sẽ khó phát triển hơn.
Khó khăn ngáng trở đầu tư
Tiếp cận với lãnh đạo địa phương có các mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nêu trên, chúng tôi nhận được rất nhiều lo lắng, băn khoăn, trăn trở.
Là địa phương đã tiến hành đầu tư, khai thác nhiều hoạt động du lịch và thí điểm đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp vào khai thác dịch vụ, du lịch theo chuỗi liên kết, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Mai Văn Ngần cho biết: Xã Hồng Vân đạt chuẩn OCOP 4 sao du lịch của thành phố Hà Nội. Trong năm 2023, điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đã đón 2.513 đoàn về tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch sinh thái, trong đó có cả các đoàn khách nước ngoài như: Lào, Nam Phi, Australia..., với tổng lượt 125.683 khách. Tuy nhiên, các mô hình này đang đi ngang bởi không được đầu tư thêm những dịch vụ thiết yếu phục vụ du lịch như xây dựng cơ sở lưu trú, ẩm thực, các công trình phục vụ cảnh quan... Điều này khiến khách du lịch đến rồi lại ra về chóng vánh.
“Thành quả về phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là sự tâm huyết, khát khao của Đảng bộ, chính quyền xã Hồng Vân cũng như chủ các mô hình và người dân địa phương. Tất cả chúng tôi đã nỗ lực với hướng phát triển riêng. Nhưng quy định về việc không được sử dụng đất sai mục đích, không được xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp đã khiến các mô hình phát triển trong thế mất cân bằng”, ông Mai Văn Ngần tiếc nuối nói.
Cũng đặt ra nhiều tiếc nuối về sức phát triển của điểm du lịch sinh thái trải nghiệm Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, đánh giá: Điểm đến này thực sự phát huy hiệu quả về cả phát triển nông nghiệp và du lịch trải nghiệm. Cơ sở dù được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt hoạt động trang trại sinh thái giáo dục và thực sự có nhiều dư địa phát triển, nhưng do không được xây dựng cơ sở lưu trú, các công trình phục vụ du lịch... nên vẫn phát triển ở thế cầm chừng.
Nhìn rộng hơn, theo quy hoạch chung của huyện Gia Lâm, Phù Đổng được quy hoạch phát triển thành thị trấn, nhưng phần lớn quỹ đất vẫn là nông nghiệp. Xã đề xuất các cấp thẩm quyền giảm quỹ đất nông nghiệp của địa phương, tăng quỹ đất phi nông nghiệp và có cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai đối với các mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Tương tự, Chủ tịch UBND xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) Nguyễn Xuân Khăng cũng khẳng định, các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái trồng nho hạ đen trên địa bàn xã bước đầu đã có hiệu quả, mang đến sự chuyển động tích cực, tác động đến nhận thức làm kinh tế của người làm nông nghiệp. Song, các mô hình gặp nhiều khó khăn trong xây dựng hạng mục phục vụ dịch vụ du lịch.
“Phương Đình được quy hoạch là vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương mong muốn thành phố có cơ chế để các cơ sở được phép xây dựng những công trình thiết yếu phục vụ hoạt động du lịch ngay trên khu vực đang phát triển nông nghiệp để thu hút và giữ chân du khách đến trải nghiệm”, ông Nguyễn Xuân Khăng mong muốn...
Đề xuất tìm hướng đi
Là huyện được thành phố Hà Nội lựa chọn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề..., Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín Đặng Hữu Hiệp, cho biết, huyện được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 điểm du lịch: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, Điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, Điểm du lịch làng nghề Lược sừng Thụy Ứng, Điểm du lịch làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm. Huyện ủy, UBND huyện đã xác định thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch của huyện là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống.
Năm 2022, xã Hồng Vân là một trong hai đơn vị đầu tiên của thành phố được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao du lịch, đạt tiêu chí du lịch trong nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội. Tuy hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Huyện rất mong các cấp có cơ chế đặc thù để các mô hình không bị bó quy định về đất đai, trật tự xây dựng, những mô hình thí điểm có hành lang pháp lý để phát triển...
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Đào Thị Thanh Huyền cũng đề xuất: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do vậy, cần các điều kiện tổng hòa để phát triển và xét riêng về đất đai là một khía cạnh đang có những khó khăn nhất định do chưa có quy định cụ thể về việc được phép xây dựng hạng mục công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ hoạt động du lịch... Huyện Gia Lâm được quy hoạch phát triển thành quận nên sẽ tiếp tục phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn với đặc thù từng địa phương nơi có tiềm năng.
Nhìn ở góc độ toàn diện, tổng hòa, TS. Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại Đồng quê Ba Vì (huyện Ba Vì), cho biết: Phát triển du lịch nông nghiệp phải nhìn tổng quan ở tất cả yếu tố, chứ không chỉ riêng yếu tố đất đai. Ở Hà Nội hiện nay, một số mô hình làm du lịch nông thôn phát triển tự phát, làm trước rồi mới báo cáo sau nên mới gặp nhiều khó khăn về đất đai, trật tự xây dựng...
Để việc tạo ra thương hiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút du khách, ngoài chủ trương hiện có, thành phố cần ban hành các quy định, quy trình hướng dẫn thực thi cụ thể cho các địa phương, với việc hoàn thiện chính sách đặc thù cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cộng đồng, đặc biệt cho các cấp quản lý, bằng việc cung cấp thông tin chính xác về định nghĩa, bản chất, tầm ảnh hưởng rộng lớn của loại hình du lịch này; đồng thời, phải học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới...
Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch không gian nông thôn theo chương trình nông thôn mới mang tính pháp lý về địa giới cho không gian sản xuất, không gian dân cư và không gian dịch vụ, du lịch. Xây dựng một số mô hình điển hình nhằm mục đích đánh giá tính hấp dẫn, thu hút du khách đến và tính bền vững của sản phẩm...
Là hướng đi gắn với xây dựng nông thôn mới nên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa vào đặc thù của từng địa phương để tạo những dấu ấn riêng, đặc sắc, tránh những mô hình dàn trải, na ná giống nhau... Đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp làm du lịch và mỗi địa phương trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ. Đó sẽ là đòn bẩy để các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng với thế mạnh của mình.