Cần cơ chế đặc thù cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển
Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn, đúng đắn mà Hà Nội đang tìm giải pháp bứt phá. Không ít mô hình, cơ sở du lịch theo chiều hướng này đã hình thành và khẳng định thành công bước đầu. Song, phần lớn đều đang lúng túng, đầu tư dè chừng vì vướng quy định về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng... Thực tế nhìn nhận ở khía cạnh này cho thấy cần một cơ chế đặc thù, một hành lang pháp lý để gỡ nút thắt.
Bài đầu: Trăn trở người trong cuộc
Ngoại thành Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp bởi là khu vực giàu có về văn hóa tâm linh, đa dạng làng nghề cùng một nền nông nghiệp trù phú... Từ lợi thế đó, những năm gần đây, nhiều vùng quê đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, nhưng sức bật chưa thật rõ ràng bởi những trăn trở, vướng mắc chưa được giải quyết.
Từ những đầu tư dang dở...
Là địa phương có lợi thế từ làng nghề sinh vật cảnh, lại có bãi sông Hồng gắn với nhiều điểm du lịch tâm linh, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) nổi tiếng thành phố Hà Nội với những mô hình du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã về Hồng Vân học hỏi mô hình, cách thức triển khai..., nhưng chính những người làm du lịch nông nghiệp ở đây cũng đang loay hoay tìm đường phát triển.
Mô hình du lịch “Đảo hoa tiên, xứ mây hồng” ở vùng bãi sông Hồng trồng rất nhiều loại hoa. Trong khuôn viên rộng khoảng 2,5ha, chủ cơ sở chỉ đầu tư một số hạng mục căn bản nhất để phục vụ dịch vụ, như: Một gian nhà tạm làm nơi pha chế đồ uống, mô hình cối xay gió, vài gian nhà gỗ làm điểm nhấn chụp ảnh...
Than ngắn, thở dài với phóng viên Báo Hànôịmới, chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, chủ cơ sở du lịch cho biết, theo sự khích lệ của địa phương và là người yêu thích làm du lịch, sau thời gian dài ấp ủ, cuối năm 2022, chị cùng gia đình dồn mọi nguồn lực đầu tư điểm du lịch này. Sau khi đổ rất nhiều công sức, tiền của, vùng bãi sông hoang hóa trước kia nay đã biến thành thảm xanh, được nhiều người yêu thích.
“Hơn 4 tỷ đồng đầu tư mà chỉ như “muối bỏ bể”, điểm du lịch vẫn thiếu đủ thứ, từ những hạng mục cơ bản nhất, như: Điểm ăn uống, nơi ngủ, nghỉ, dừng chân của khách tham quan... Tôi không dám đầu tư bất cứ hạng mục gì, bởi hễ làm là vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng...”.
Càng đồng cảm hơn khi chị Hòa kể: “Nằm giữa vùng bãi sông Hồng, khi tổ chức sự kiện gì, cơ sở phải dựng bạt, ô... Với sức gió từ sông Hồng thổi vào, lều, bạt, ô đều không đủ an toàn và rất nhanh hỏng... Chúng tôi thực sự nản”.
Cách đó không xa, cơ sở du lịch Family Garden (số 2, đường Osaka, thôn Cẩm Cơ, xã Hồng Vân) của anh Chu Mạnh Tiến được đầu tư khá quy mô. Không gian tĩnh mịch, bình yên với rất nhiều cây cảnh, hoa và 3 gian nhà mái ngói nhỏ, tường đất đá ong... Mô hình đã được chủ cơ sở lập đề án, xin triển khai từ năm 2018, nhưng chưa được phê duyệt vì triển khai trên đất nông nghiệp, không được xây dựng công trình kiên cố...
Trên diện tích đất trồng cây lâu năm rộng 7.000m2, dù ấp ủ rất nhiều kế hoạch, nhưng nay anh Tiến cũng đành dừng lại, lo lắng vì vướng các quy định về đất đai, không thể đầu tư các hạng mục cần thiết cho phát triển du lịch. “Chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện, vì đây là mô hình du lịch gắn với vùng phát triển nông nghiệp, nên cần có cơ chế đặc thù để cả du lịch và nông nghiệp cùng phát triển”...
Khác với làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, gần đây, những vườn trồng nho đen ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) cũng được nhiều người tìm đến. Ở đây, "chất" nông nghiệp được duy trì tối đa để tạo điểm nhấn, chỉ có đồng đất với những giàn nho trĩu quả... Nhưng, câu chuyện làm du lịch nơi đây cũng chưng hửng, lưng chừng như những mô hình nêu trên, bởi vướng cơ chế. Không thể xây nhà cho khách nghỉ ngơi, ăn uống. Trên cánh đồng, khách chỉ có thể "check in", mua nho... rồi về.
Trong câu chuyện, ông Vương Văn Chiến, thành viên Hợp tác xã Sinh Phát Phương Đình (thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) tỏ rõ sự băn khoăn vì nhìn thấy cơ hội phát triển du lịch mà không được làm theo ý định của mình. “Làm du lịch thì phải giữ được chân du khách, phải có các dịch vụ phục vụ đi kèm, nhưng đến việc xây tường bao cũng không được thì chúng tôi biết làm gì để giữ chân khách?”, ông Vương Văn Chiến đặt câu hỏi.
... đến những trang trại chuyển mình
Chứng kiến lượng khách đến tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) mới thấy hết được hiệu quả hoạt động tại đây. Từng đoàn xe chở hàng trăm học sinh đến tham quan, trải nghiệm... Nhìn cơ ngơi tưởng rất hoành tráng, song thực chất, đó là chỉ lớp vỏ được hóa trang tài tình khi toàn bộ khu nhà ăn, nghỉ được đắp bằng tường đất; các công trình khác cũng chỉ được gia cố bằng những vật liệu tạm.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phù Đổng Green Park kể lại: Phù Đổng là xã nuôi bò sữa với số lượng rất lớn nên lượng chất thải rất khổng lồ. Năm 2015, ông Hùng đã thuê khu vực thùng đào, thùng đấu để đầu tư mô hình nuôi giun quế nhằm giải quyết lượng chất thải từ chăn nuôi bò sữa. “5 năm đầu, tôi chỉ đầu tư vào việc tạo mặt bằng và trồng cây. Sau khi có mặt bằng, tôi đầu tư máy móc, nhà xưởng nuôi giun quế; diện tích còn lại quy hoạch thành trang trại trồng cây cảnh, cây ăn quả, hoa lan chất lượng cao… Đó là cơ sở để tôi hình thành mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm”, ông Hùng chia sẻ.
Trong cơ sở du lịch, ông Hùng đầu tư những hạng mục, như: Khu nuôi cá, khu vườn thú, khu trải nghiệm trồng rau... “Từ dấu ấn ban đầu là mô hình nuôi giun quế, làm sạch môi trường, đến nay, cơ sở đã hình thành một số hạng mục phục vụ du lịch trải nghiệm, nhưng điều còn thiếu cơ bản nhất là khu lưu trú. Khách đến không có chỗ ngủ, nghỉ nên họ đến rồi lại đi, không giữ chân họ được dài ngày... Làm du lịch như vậy thì chưa trọn vẹn, khó phát triển bứt phá...”, ông Hùng trăn trở.
Tương tự, từ mô hình nuôi gà sạch có tiếng với thương hiệu “trứng gà Tiên Viên”, Công ty cổ phần Tiên Viên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) đã tận dụng chính mô hình nuôi gà của mình, kết hợp với phần đất còn trống, chưa sử dụng để phát triển mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Đối tượng phục vụ của cơ sở chủ yếu là học sinh. Khi đến đây, các em sẽ được biết về quy trình nuôi gà, ấp trứng, kết hợp tìm hiểu một số loài vật họ hàng với gà như: Chim công, chim trĩ...
Năm 2022, sau khi tham dự hội nghị khuyến nông “Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên Đặng Đình Tiên nhận thấy, điều kiện đất đai, cảnh quan phù hợp để phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Từ đó, gia đình ông đã cải tạo hai khu chuồng gà cũ thành nhà đa năng để quảng bá sản phẩm, cũng là chỗ để khách tránh nắng, tránh mưa... “Toàn bộ công trình đều xây dựng theo dạng kết cấu tạm, khung cột bê tông nhỏ, mái tôn hoặc phibro xi măng. Cũng vì thế, các dịch vụ phục vụ du lịch kèm theo cũng rất hạn chế, mô hình phát triển chưa được như mong muốn”, ông Đặng Đình Tiên chia sẻ.
Rời các cơ sở du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, chúng tôi không khỏi tiếc nuối. Nhìn chung, các mô hình đều có sự tìm tòi, tâm huyết, khát khao được phát triển, nhưng không ai dám “vượt rào” trước các quy định của pháp luật về quy hoạch đất đai, trật tự xây dựng...