Cần cơ chế đặc thù hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo gặp rủi ro trong tầm kiểm soát
Đây là khuyến nghị của ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hóa chất nông nghiệp TP. Hà Nội tại hội thảo về chính sách đổi mới sáng tạo bao trùm.
Hội thảo “Chính sách đổi mới sáng tạo bao trùm của Việt Nam: Chiến lược thiết kế và thực thi chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn phát triển tiếp theo” vừa diễn ra tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.
Đây là Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu của CIEM và UNDP về chính sách đổi mới sáng tạo bao trùm của Việt Nam, hướng tới mục tiêu góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo bao trùm trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và hoạt động của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia.
Báo cáo kết quả nghiên cứu, đại diện cho CIEM nhấn mạnh: Chính sách về đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất đầy đủ, trong đó có cả Luật hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên hỗ trợ thúc đẩy mang tính bao trùm còn chưa thể hiện rõ, nhất là việc cụ thể hóa hợp tác giữa những thành phần đổi mới cấp địa phương, giữa doanh nghiệp nhỏ hợp tác với trường đại học để khai thác hết tiềm năng đổi mới sáng tạo bao trùm.
Thực tế cho thấy, DNNVV chưa được hỗ trợ toàn diện để đổi mới sáng tạo. Rất nhiều cuộc thi hoạt động sáng kiến trong sinh viên, thanh niên, nông dân nhưng kết quả thu được từ thương mại hóa sáng kiến không nhiều vì không có những bước tiếp theo.
Giá trị doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ về đổi mới sáng tạo không nhiều và những hỗ trợ này thường dành cho các doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt, chính sách chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp xã hội. Có doanh nghiệp xã hội đăng ký kinh doanh nhưng không dám nói là doanh nghiệp xã hội vì rất sợ khâu kiểm tra chứng thực có phải là doanh nghiệp xã hội hay không.
Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị: Trong chính sách đổi mới sáng tạo, đối tượng DNNVV cần được hỗ trợ kỹ năng mềm bên cạnh hỗ trợ vốn và đất đai để thương mại hóa sáng kiến, biến đổi mới sáng tạo thành GDP.
Cùng với đó, chính sách phải có nội dung kêu gọi thúc đẩy sự tham gia của nhóm dân cư như nông dân, phụ nữ yếu thế hơn trong xã hội. Các khu vực ngành kinh tế truyền thống cần có chính sách thúc đẩy.
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia phải có chương trình hoạt động mang màu sắc hơn, hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng thời điểm diễn ra dịch COVID-19 tại Việt Nam thời gian vừa qua cho thấy, Việt Nam đã thể hiện sự vượt bậc của mình trong việc đưa ra các sáng kiến vượt dịch.
Kết quả nghiên cứu sáng tạo chỉ mấy tuần đã đưa vào thực thi hiệu quả. Sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn và bộ kit test phát hiện COVID-19 made in Việt Nam là một minh chứng rất rõ về việc thương mại hóa hiệu quả đổi mới sáng tạo từ khâu nghiên cứu tới thị trường. Riêng bộ kit test phát hiện COVID-19 đã mang lại giá trị kinh tế gấp hàng nghìn, chục nghìn lần khoản chi đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Minh chứng này đã trả lời cho câu hỏi vì sao đổi mới sáng tạo thành công. Đó không phải là cứ đi tìm lỗ hổng để bù đắp lại, mà là tinh thần phục vụ doanh nghiệp phải được quan tâm hơn từ nghiên cứu khả thi đến thương mại hóa. Sáng tạo phải được hỗ trợ thiết thực để thị trường hóa và các doanh nghiệp đang cần nhất điều này. Những hỗ trợ này Chính phủ hoàn toàn làm được.
Chuyên gia tại Hội thảo cũng đã đưa ra kinh nghiệm tại Trung Quốc, Trung Quốc cấp quyền sở hữu lâu dài cho bằng sáng chế cho và hỗ trợ tiếp công đoạn khả thi, thị trường hóa.
Với kinh nghiệm từng giữ vị trí Tổ trưởng Tổ chuyên trách đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Viện trưởng Viện CIEM Nguyễn Hoa Cương cho rằng ở Việt Nam, gánh nặng tuân thủ quản lý tài chính gây khó cho nhà nghiên cứu đổi mới sáng tạo (khâu chứng minh rất nhiều loại giấy tờ để giải ngân). Điều này là rào cản lớn nhất đối với người làm đổi mới sáng tạo để có được nguồn tài chính thực hiện.
Ông Cương mong muốn có tiếng nói từ UNDP để tạo thay đổi trong chiến lược thiết kế và thực thi chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam.
Đại diện tiếng nói cho doanh nghiệp, ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hóa chất nông nghiệp TP. Hà Nội khuyến nghị: Chính sách đổi mới sáng tạo bao trùm trong thời gian tới làm sao phải khuyến khích được sự thay đổi đưa mô hình số vào doanh nghiệp.
“Chính sách cần tập trung vào thế hệ thứ hai (F2) bởi trên 50 phần trăm doanh nghiệp sẵn sàng thay thế người điều hành công ty để thay đổi tư duy. Doanh nghiệp hiện sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi mới sáng tạo. Cần nghiên cứu cơ chế đặc thù để doanh nghiệp được hỗ trợ khi họ gặp rủi ro có thể kiểm soát được”, ông Thắng nói.