Cần cơ chế ưu đãi để phát triển công nghiệp công nghệ số
Chiều 29/8, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là hành lang pháp lý về công nghiệp công nghệ số để kịp thời bổ sung, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi, khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Trên thực tế, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh, giai đoạn từ năm 2015 - 2023 tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm, đóng góp lớn cho GDP.
Năm 2023, doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD (tăng 23% so với năm 2019 và 128% năm 2015), trong đó doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt khoảng 127 tỷ USD (tăng 45% so với năm 2019 và 155% so với năm 2015), giá trị xuất siêu phần cứng, điện tử đạt trên 30 tỷ USD, đóng góp cho GDP đạt 726.345 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 7% GDP.
Số lượng doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp; số lượng lao động trong các doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đang hoạt động ước đạt khoảng 1,45 triệu người.
Tuy nhiên đến nay, khung pháp lý định hình ngành công nghiệp công nghệ số vẫn còn chưa được hoàn thiện.
Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Luật Công nghiệp công nghệ số cần sớm nghiên cứu xây dựng nhằm khắc phục tồn tại, bất cập trong thi hành quy định về công nghiệp công nghệ thông tin trong Luật CNTT; đề xuất chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển, đồng thời hạn chế những rủi ro nếu có trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp đã góp ý đề cập đến một số vấn đề quan trọng cần được làm rõ. Đó là về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có tính chất đặc biệt quy mô lớn. Cơ chế tài chính, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số là chính sách cốt lõi để phát triển đột phá ngành công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới...
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Ban soạn thảo dự án luật tiếp thu, hoàn thiện. Theo kế hoạch, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 9/2024 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).