Cần có chính sách cụ thể để doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho KHCN

Ngày 3-1, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành KH và CN năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là sự đóng góp của cả lực lượng công nhân và nông dân, KH và CN nước nhà đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước. KH và CN ngày càng gắn bó mật thiết và đồng hành với các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả cả nền kinh tế.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH và CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.

Trong lĩnh vực xây dựng, KH và CN được ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các khâu từ nghiên cứu vật liệu, xây dựng đơn giá, định mức; thiết kế, thi công công trình; phát triển nhà và đô thị. Bộ KH và CN đã phối hợp Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng để phù hợp các công nghệ mới. Bước đầu đã triển khai các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, mạng viễn thông 5G được nghiên cứu phát triển,các doanh nghiệp viễn thông lớn đã chủ động chuẩn bị cho 5G. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được truyền tải và triển khai hiệu quả trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phòng thí nghiệm về thông tin di động thế hệ mới đã được triển khai xây dựng góp phần bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho cơ sở hạ tầng mạng băng rộng, xây dựng năng lực kiểm thử lỗ hổng mạng, bảo đảm đáp ứng tốt hơn về an toàn thông tin cho các hệ thống di động của Việt Nam.

Trong lĩnh vực y tế, KH và CN được ứng dụng rộng rãi trong công tác phòng ngừa, chẩn đoán và khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả của việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đã nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa, thực hiện thành công phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu song thai tại Việt Nam. Lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, nước ta hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (7%), các chỉ số xếp hạng của Việt Nam trên trường quốc tế được cải thiện theo chiều hướng rất tốt, nhất là các chỉ số liên quan đến KH và CN, như số công bố KH trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới tăng 26,4% so năm 2018, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng ba bậc... Những kết quả đó có sự đóng góp thực chất đáng kể của KH và CN. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảm ơn những đóng góp của các nhà khoa học, các ngành, các cấp đối với sự tăng trưởng chung của đất nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập hiện nay, như số công bố quốc tế tăng nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực. Từ 2015 đến nay, Việt Nam có 36.700 công bố quốc tế, chỉ bằng 23% so với Malaysia, 45% so Thái Lan. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu tính trên đầu người từ 2013 đến nay hầu như không tăng. Chi ngân sách cho KH và CN theo quy định là 2% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chi năm cao nhất chỉ khoảng 1,8.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, lĩnh vực KH và CN cần thực hiện tốt năm vấn đề sau: Thứ nhất, cần có các chính sách, hành động cụ thể để đổi mới sáng tạo quốc gia đúng với xu thế quốc tế là doanh nghiệp phải là trung tâm. Muốn vậy, phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành. Bộ KH và CN phải đề xuất chính sách, các Bộ phụ trách chính sách kinh tế phải vào cuộc thật sự, có các cơ chế về kinh tế thiết thực để doanh nghiệp thấy lợi ích lâu dài và trước mắt, lợi ích gián tiếp và trực tiếp. Từ đó, doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho KH và CN và nguồn nhân lực chất lượng cao. Lâu nay, chúng ta mới chủ yếu kêu gọi, do đó, chỉ doanh nghiệp nào có tiềm lực, thấy lợi ích lâu dài mới đầu tư; những doanh nghiệp chưa có tiềm lực mạnh và chưa nhiều tích lũy thì chưa được khuyến khích bằng các chính sách kinh tế trực tiếp để đầu tư ngay cho KH và CN.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh để các đại học tự chủ hơn nữa để tăng các nghiên cứu, công bố quốc tế. Tới đây, các trường đại học tự chủ tốt sẽ coi là đầu mối ngân sách cấp 1 của KH và CN. Không phân biệt với viện nghiên cứu tư nhân, nhằm thúc đẩy các nghiệp đầu tư thành lập các viện nghiên cứu. Nhà nước ngoài định hướng, chiến lược, chi ngân sách, cần đổi mới quản lý chi ngân sách tốt hơn để không thất thoát ngân sách, nhưng cũng phải tôn trọng nhà khoa học, tin nhà khoa học, chấp nhận tính rủi ro của khoa học.

Thứ hai, Bộ KH và CN cần chú trọng hơn nữa đến khoa học xã hội nhân văn, khoa học chính trị, quân sự. Điểm lại các công bố quốc tế hiện nay chủ yếu là các ngành kỹ thuật, vật lý, sức khỏe, còn các ngành khoa học quản lý, khoa học xã hội còn ít.

Thứ ba, cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Vừa qua, Quỹ đầu tư mạo hiểu tăng đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, chứng tỏ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế thấy rõ tiềm lực của Việt Nam. Chúng ta phải tăng cường kết nối các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện thuận lợi để thâm nhập thị trường. Việc này có vai trò quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cần tham khảo kinh nghiệm của bè bạn quốc tế trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xâm nhập thị trường.

Thứ tư, phải minh bạch tất cả mọi đề tài, công trình ở các cấp, các ngành, từ đó tiết kiệm được ngân sách, tạo sự chân thực cho khoa học, tôn vinh ý kiến chuyên gia, hội đồng. Cần kết nối tốt với hệ thống thông tin khoa học quốc tế để nghiên cứu không trùng lặp.

Thứ năm, Bộ KH và CN và cả xã hội cần tiếp tục khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội, không chỉ là các đề tài nghiên cứu, sáng chế, mà cả những sáng kiến trong quản lý xã hội hằng ngày. Cần bằng công cụ khoa học để hỗ trợ, khơi dậy các sáng kiến đó, tôn vinh người có sáng kiến, tôn vinh nhà khoa học.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng nguyên Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Quốc Khánh, Huân chương Lao động hạng Ba tặng Thứ trưởng Bộ KH và CN Phạm Công Tạc.

THANH QUÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/item/42804202-can-co-chinh-sach-cu-the-de-doanh-nghiep-dau-tu-nhieu-hon-cho-khcn.html