Cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy

Chiều 27/6, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã có buổi làm việc với Ban Quản Lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Giang về tình hình hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng nói chuyện với người dân xã Hùng An, huyện Bắc Quang về chính sách đền bù, tái định cư.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng nói chuyện với người dân xã Hùng An, huyện Bắc Quang về chính sách đền bù, tái định cư.

Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy được thành lập từ năm 2009. Được tổ chức thành khu phi thuế quan và các phân khu chức năng khác trên tổng diện tích hơn 28 nghìn ha.

Mục tiêu khu kinh tế hướng đến là trở thành khu vực trọng điểm kinh tế trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, chính trị trên biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Đến nay, tại khu kinh tế có 41 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.195 tỷ đồng. Trong đó có 23 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động; 2 dự án chậm tiến độ; 6 dự án đang triển khai; 10 dự án cơ bản đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thành các hạng mục đầu tư, chưa hoạt động theo đúng quy mô đăng ký.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiểm tra tình hình triển khai các dự án tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiểm tra tình hình triển khai các dự án tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy.

Trên thực tế, hoạt động ở khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và còn tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể như hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư hoàn chỉnh, các dự án đầu tư nhiều nhưng số nộp ngân sách nhà nước chưa tương xứng với quy mô vốn đầu tư, cũng như diện tích chiếm đất, chủ yếu là dự án dịch vụ kho bãi với quy mô nhỏ lẻ. Nhiều dự án tồn tại, chậm tiến độ kéo dài nhưng chưa được xử lý.

Quỹ đất sạch để bố trí, thu hút đầu tư hiện nay đã hết, đặc biệt là quỹ đất để thu hút các dự án lớn, trọng điểm. Trong khi đó các khu vực khác lại chưa có quy hoạch chi tiết, nơi có quy hoạch chi tiết lại chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đến thời điểm hiện tại, các hoạt động thông quan hàng hóa, hành khách qua cửa khẩu Thanh Thủy diễn ra bình thường. Lượng người tham gia xuất cảnh, nhập cảnh tăng. Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới diễn ra sôi động. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 142 triệu USD, tổng số thu ngân sách qua cửa khẩu đạt hơn 94 tỷ đồng.

Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, nghe tham luận của các ngành chức năng, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang cần năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Cần nhận thức rõ trách nhiệm để nắm bám, triển khai công việc.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh, định hướng phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy cần có sự thay đổi về nhận thức và quan điểm. Cần phải có kế hoạch phát triển đô thị, kinh tế xã hội, có cơ chế quản lý, lực lượng lao động, phương án bảo vệ môi trường.

Khu kinh tế cửa khẩu không đơn thuần là nơi buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa mà phải có các dự án sản xuất gắn với giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho người lao động.

Trong thời gian tới, đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Giang tham mưu cho tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi riêng để thu hút đầu tư và thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Phối hợp với các ngành chức năng trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chung của khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.

Quan tâm lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chức năng. Cùng với đó là phải công khai quy hoạch.

Tăng cường phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình trái phép. Thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Dự án nào đầu tư không hiệu quả, dự án nào chưa triển khai phải có hướng giải quyết cụ thể. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động thương mại, sản xuất.

Làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Cũng trong ngày 27/6, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đi kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang. Đề nghị chính quyền địa phương, các ngành chức năng phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai công việc đồng bộ, giải quyết từng việc cụ thể, làm đến đâu chắc đến đó.

Về khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường phối hợp với các ngành hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ sớm nhất để trình Chính phủ phê duyệt. Đối với ban quản lý dự án, trên cơ sở mặt bằng sạch đã được giao cần đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm thời gian, chất lượng công trình.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-co-chinh-sach-uu-dai-thu-hut-dau-tu-vao-khu-kinh-te-cua-khau-thanh-thuy-post759588.html