Cần có chương trình truyền thông người Tiền Giang dùng sản phẩm Tiền Giang

Sáng 5-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang đến làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh Đoàn giám sát làm việc tại Sở NN&PTNT.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT cho biết, những năm qua, tình hình phát triển nông nghiệp của tỉnh dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn ngành Nông nghiệp nỗ lực vượt khó bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được chú trọng. Các ngành hàng chủ lực của từng vùng bước đầu đã nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Lợi phát biểu gợi ý thảo luận.

Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới liên tục được triển khai và truyền thông rộng rãi trong nhân dân, người dân có nhu cầu tiếp thu cao và hăng hái ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ đó, đã thúc đẩy sự gia tăng năng suất sản xuất và hiệu quả lao động nông thôn, phát triển kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Một số mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ có hiệu quả cao trên lúa, cây ăn trái, gà ta Gò Công, rau an toàn, sản xuất lúa chất lượng cao... Gắn Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp với các mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ bước đầu đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Các ngành tỉnh, huyện đã tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản chủ lực, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chế biến nông sản.

Các công trình thủy lợi đã góp phần ổn định sản xuất, giữ vững và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đặc biệt đã chủ động ứng phó với hạn, mặn xảy ra liên tục trong những năm gần đây, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nông dân; giảm thiểu tác hại của lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,…

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, từ chỗ còn trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước đã từng bước chuyển sang chủ động, tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc; đóng góp tiền, ngày công lao động nâng cấp xây dựng công trình giao thông nông thôn, công trình công cộng khác trên địa bàn; hệ thống hạ tầng nông thôn đã phát triển rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Hoạt động sản xuất công nghiệp tại khu vực nông thôn có mức phát triển khá, góp phần vào tăng trưởng công nghiệp chung của tỉnh, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên bên cạnh đó, còn một số khó khăn như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chậm so với mục tiêu đề ra (từ 45,8% năm 2015 còn 38,9% năm 2020, mục tiêu 31,3 - 33,6%). Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành có bước biến chuyển nhưng còn chậm; lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp; trong nội bộ ngành trồng trọt thì cây ăn trái có diện tích, sản lượng đều tăng nhưng giá trị và giá trị gia tăng không cao.

Diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; sản xuất tự phát không theo quy hoạch còn phổ biến. Tư duy và trình độ sản xuất của một số nông hộ chưa đáp ứng kịp với các ứng dụng sản xuất mới, sản xuất theo công nghệ cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP còn thấp. Kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp nông thôn dù đã tập trung đầu tư nhưng so với thực tế vẫn còn yếu; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến, kho, bến bãi kém phát triển, công nghệ chế biến nông sản quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu; phần lớn nông sản xuất thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, đặc biệt là chế biến trái cây còn quá ít.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Hệ thống tổ chức sản xuất nông nghiệp các HTX chậm đổi mới, năng lực còn thiếu và yếu, chưa chủ động trong việc đổi mới phương thức sản xuất cũng như định hướng sản xuất lâu dài.

Liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ chưa bền vững; chuỗi cung ứng trong nông sản (dịch vụ Logistic) còn bất cập nên những tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ vận chuyển nông sản khá cao…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang đã thảo luận nhiều vấn đề còn bất cập như: Công tác quy hoạch vùng trồng còn bất cập; chính sách hỗ trợ chuyển đổi vùng trồng còn thấp; một số HTX nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả; cơ chế chính sách từ trung ương quy định gây khó khăn cho địa phương; cần đánh giá lại các nghị quyết của HĐND tỉnh về nông nghiệp; công tác quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với phát triển du lịch...

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc sở trả lời các vấn đề Đoàn giám sát đặt ra.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế còn tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Trần Thanh Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp đã thực hiện đạt nhiều kết quả phấn khởi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng thời, đồng chí Trần Thanh Nguyên chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất các chính sách để tỉnh xem xét tạo điều kiện cho ngành vận hành phát triển. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo việc thực hiện các chương trình, đề án nông nghiệp; đơn giản các thủ tục hành chính trong thực hiện các chương trình, đề án; tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn GAP; quản lý chất lượng hàng hóa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chuỗi giá trị; phối hợp với các ngành hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh; phối hợp các ngành đề xuất chính sách mời gọi doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, chế biến trái cây sâu. Trong quá trình triển khai các nghị quyết về nông nghiệp có khó khăn thì đề xuất HĐND tỉnh ban hành quyết sách mới tạo điều kiện cho Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện tốt hơn lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ sản phẩm OCOP, nhất là các HTX, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao… Chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đến nhiều đối tượng được thụ hưởng. Sở NN&PTNT cần quan tâm việc quảng bá sản phẩm OCOP trên nhiều nền tảng, nghiên cứu xây dựng chương trình truyền thông người Tiền Giang tiêu dùng sản phẩm Tiền Giang...

HOÀI THU

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202305/can-co-chuong-trinh-truyen-thong-nguoi-tien-giang-dung-san-pham-tien-giang-977723/