CẦN CÓ CƠ CHẾ KHAI THÁC HIỆU QUẢ, TRÁNH LÃNG PHÍ QUỸ ĐẤT ĐANG DO CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP QUẢN LÝ

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tại Tổ 1 cho rằng, cần có cơ chế khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Về nội dung cụ thể, cần tiếp tục rà soát, cân nhắc để quy định phù hợp với đối tượng và phạm vi.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 này. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội tại Tổ 1 khi đóng góp ý kiến vào dự án Luật là về quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Khoản 3 Điều 32, Điều 34 và Điều 35 của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được sử dụng đất kết hợp vào mục đích khác với thời gian tối đa là 10 năm

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, quyền lựa chọn hình thức giao đất cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tiếp thu và bổ sung so với kỳ họp thứ 4. Đây cũng là điểm đã được cơ quan soạn thảo cùng với phối hợp với cơ quan thẩm tra quan tâm và để đảm bảo chặt chẽ vẫn phải có những bổ sung cho các nội dung này.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện đưa quỹ đất chưa dùng đến nhưng đưa vào để thực hiện ký hợp đồng hoặc liên doanh, liên kết cần phải khống chế thời gian. Vấn đề này cũng lại liên quan giữa Luật Đất đai với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Đề cập về quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Khoản 3 Điều 32, Điều 34 và Điều 35, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nghiên cứu để có cơ chế khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể, cần tiếp tục rà soát, cân nhắc để quy định phù hợp với đối tượng và phạm vi.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đóng góp ý kiến về thời gian thuê, sử dụng đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đóng góp ý kiến về thời gian thuê, sử dụng đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 35 theo hướng: Đơn vị sự nghiệp công lập khi thuê đất không được bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, không được thế chấp tài sản gắn liền với đất. Khi sử dụng kết hợp vào mục đích khác hoặc liên doanh liên kết thì nên được thực hiện trong thời gian tối đa là 10 năm. Sau 5 năm thì xem xét tính hiệu quả của hợp tác để tiếp tục kéo dài 10 năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đối tác hợp tác.

Cần có quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Quan tâm đến chính sách sử dụng đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Lê Quân lấy dẫn chứng một trường đại học hiện nay dù đã tự chủ, đất trong khuôn viên nhà trường rộng, song nếu muốn mở một khu dịch vụ cho sinh viên hay căng tin trong nhà trường đều bị vướng vì không có trong quy hoạch. Nếu nhà trường muốn mở dịch vụ thương mại, phải xây dựng ở một khu vực cách xa nhà trường, hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất với nhiều thủ tục phức tạp.

Đại biểu Lê Quân bày tỏ quan điểm về quy định sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Lê Quân bày tỏ quan điểm về quy định sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước bất cập trên, đại biểu Lê Quân cho rằng, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này vừa tạo điều kiện cho các đơn vị tăng nguồn thu khi tự chủ vừa không phá vỡ quy hoạch và sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả.

Bày tỏ sự quan tâm đến việc quản lý đất, xác định đất trong khu vực đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Trần Việt Anh cho rằng, vấn đề này không phải chỉ có liên quan đến lĩnh vực giáo dục mà văn hóa cũng như thế. Tức là khi chúng ta hợp tác công tư trong khu vực đó thì phải xác định theo quy hoạch, phù hợp quy hoạch nhưng phải xác định giá trị đất của khu vực đấy.

Đại biểu Trần Việt Anh cho ý kiến về quản lý, xác định giá đất trong khu vực đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Đại biểu Trần Việt Anh cho ý kiến về quản lý, xác định giá đất trong khu vực đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Đối với lĩnh vực giáo dục thì vẫn có thể xác định được giá trị đất đưa vào liên doanh, liên kết nhưng đối với khu vực văn hóa là gần như không thể xác định được. Tại vì đất ở trong khu vực văn hóa thì không thể nào nói là bao nhiêu tiền được, vì đấy là đất vô giá, cho nên rất khó khăn trong việc lập đề án để hợp tác công tư trong khu vực văn hóa, lịch sử.

Với băn khoăn trên, đại biểu Trần Việt Anh cho rằng, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ hơn về quản lý, xác định giá trị của đất trong khu vực đơn vị sự nghiệp công lập./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=77005