Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng, gây lãng phí
Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí đề nghị, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
Ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng
Tại phiên thảo luận sáng 2/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa thống nhất với các báo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Việc thực hiện đầu tư công thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu việc đầu tư công thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc cần được sớm tháo gỡ. Cần xác định nguyên nhân, hạn chế để đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công cần tập trung vào việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia; vốn đầu tư công cần được thực hiện đúng mục đích, đạt hiệu quả, tránh lợi dụng nguồn vốn để trục lợi...
"Thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế" - đại biểu nêu rõ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Hữu Trí, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân.
Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách khoáng sản còn nhiều vướng mắc và trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình cần được sóng tháo gỡ.
Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư còn phân tán, nhiều chương trình chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực. Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công, dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả. Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
"Chính vì vậy, đối với công tác này cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước" - đại biểu đề nghị.
Theo đại biểu, việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm để nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình trọng điểm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Một yêu cầu hiện nay trong đầu tư công là chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đại biểu đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
Phải có những điều chỉnh chương trình phục hồi KTXH trước những biến động, bối cảnh mới
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa giai đoạn 2021- 2023 đã giúp nước ta ổn định được kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể, năm 2021 và đặc biệt là năm 2023 còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong ngắn, trung và dài hạn…
Cụ thể như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính trị thế giới như hiện nay. Do vậy cần phải có những điều chỉnh trước những biến động, bối cảnh mới.
"Dường như chính sách tài khóa vẫn còn khá thận trọng khi xu hướng chung, lợi ích thay đổi qua các năm, nhất là trong giai đoạn 2021- 2023" - đại biểu Thạch Phương Bình nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, thận trọng là cần thiết, song nếu quá thận trọng thì sẽ không có lợi khi chi tiêu của Chính phủ được xem như là một động lực tăng trưởng quan trọng hiện nay.
Để hạn chế thấp nhất các thách thức trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt là đối với nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần có giải pháp, chính sách nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá về công tác lập dự toán…
Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã rất quyết liệt, năng động, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để có nguồn ngân sách thực hiện các chương trình đề ra trong Nghị quyết 43. Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng tới chính quyền địa phương khi bị giảm nguồn thu.
Đại biểu cho rằng, để bù đắp lại các khoản chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ, cần tạo điều kiện cho địa phương có thể thu ở các lĩnh vực khác, để cân đối hài hòa giữa thu và chi ở các địa phương.
"Hiện nay, chúng ta đang tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, nhưng bên cạnh tự chủ cũng cần tạo điều kiện phù hợp để các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu, để đảm bảo thu nhập, cuộc sống cho các cán bộ, nhân viên. Trong khi đó, các bộ, ngành trung ương chưa có hướng dẫn đầy đủ về tính đúng, tính đủ các dịch vụ để các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện tự chủ" - đại biểu nói và đề nghị Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến vấn đề quan trọng này./.