Cần có cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy hợp tác công – tư trong NCKH

Để NQ 57 triển khai hiệu quả, cần có đột phá về cơ chế tài chính, trao quyền tự chủ cao hơn cho các trường đại học trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực.

.t1 { text-align: justify; }

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đặt ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là: Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản; đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín của nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo.

Đây được xem là chìa khóa để giúp các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đẩy mạnh phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học vẫn tồn tại rào cản

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, sự hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế là điều cần thiết. Mặc dù sự hợp tác này đang có nhiều điều kiện thuận lợi, song cũng đối mặt với không ít thách thức cần được tháo gỡ.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Về thuận lợi, hành lang pháp lý hỗ trợ hợp tác đã dần hoàn thiện với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước, tiêu biểu như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với đó, nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và viện nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học theo hướng gắn liền với thực tiễn.

Đặc biệt, về nhu cầu thực tiễn, các doanh nghiệp ngày càng mong muốn hợp tác với trường đại học nhằm tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu hiện cũng gặp phải nhiều khó khăn, với rào cản lớn nhất là sự khác biệt về mục tiêu. Bởi trong khi doanh nghiệp ưu tiên hiệu quả kinh tế ngắn hạn, các trường đại học lại tập trung vào đào tạo và nghiên cứu học thuật, dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung. Đi kèm với đó là hạn chế về nguồn lực khi một số chương trình hợp tác đòi hỏi vốn đầu tư lớn về tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực, trong khi khả năng đáp ứng của các trường đại học còn hạn chế.

Cùng với đó, quy trình ký kết và triển khai hợp tác, đặc biệt với đối tác nước ngoài, vẫn còn rườm rà, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ và cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đối tác phù hợp còn gặp khó khăn do thiếu các kênh thông tin kết nối chuyên biệt và hiệu quả. Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế của một bộ phận cán bộ, giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến việc triển khai hợp tác quốc tế.

Do đó, để khắc phục những khó khăn này, bên cạnh nỗ lực chủ động từ phía các trường đại học, rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhà nước. Đặc biệt, cần có cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy hợp tác công – tư trong nghiên cứu khoa học, cũng như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đồng hành lâu dài với nhà trường trong các dự án nghiên cứu ứng dụng có tính lan tỏa cao.

Cũng theo thầy Thắng, hiện nay, mức độ đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ tại các trường đại học vẫn còn khá khiêm tốn so với yêu cầu phát triển, cũng như so với mặt bằng khu vực và quốc tế. Nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu dừng ở mức hỗ trợ cơ bản, chưa mang tính “đặt hàng chiến lược” gắn với các mục tiêu dài hạn như chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao hay thích ứng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, mức đầu tư cho nghiên cứu tại các trường đại học nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặc dù đầu tư từ ngân sách nhà nước có xu hướng tăng, thông qua các chương trình trọng điểm và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), nhưng kinh phí phân bổ cho các trường đại học còn hạn chế, cạnh tranh cao và thủ tục phức tạp.

Hơn nữa, năng lực xây dựng và quản lý các dự án nghiên cứu quy mô lớn, liên ngành, liên lĩnh vực của nhiều trường vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt, việc thiếu cơ sở dữ liệu đồng bộ, phòng thí nghiệm hiện đại và đội ngũ chuyên trách về kết nối doanh nghiệp cũng là những rào cản lớn trong việc phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ ở các trường đại học hiện nay.

Vì vậy, để Nghị quyết 57-NQ/TW triển khai hiệu quả, cần có đột phá về cơ chế tài chính, trao quyền tự chủ cao hơn cho các trường đại học trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực. Đồng thời, cần thiết kế các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu – ứng dụng tại trường, như thông qua các quỹ đồng tài trợ, ưu đãi thuế hoặc mô hình “doanh nghiệp đồng sáng lập” các viện nghiên cứu.

Đổi mới đầu tư, hỗ trợ là chìa khóa để trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh

Theo quan điểm của thầy Võ Văn Thắng, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các trường đại học trở thành trung tâm nghiên cứu mạnh, ứng dụng cao như Nghị quyết 57 đã đề ra, Việt Nam cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, về cơ chế tài chính và đầu tư từ nhà nước, việc tăng cường đầu tư trực tiếp cho các trường đại học, đặc biệt ưu tiên cho các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa là điều quan trọng. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục tài chính, đảm bảo tính linh hoạt và thuận tiện nhưng vẫn minh bạch trong quản lý. Áp dụng cơ chế khoán chi phí nghiên cứu theo kết quả đầu ra thay vì kiểm soát chi tiết từng hạng mục chi tiêu, nhằm khuyến khích sự sáng tạo và chủ động của các nhóm nghiên cứu. Mặt khác, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại để tạo nền tảng cho các hoạt động nghiên cứu – chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, về chính sách huy động và hỗ trợ từ doanh nghiệp, cần xây dựng cơ chế miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án nghiên cứu ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ tại trường đại học. Cho phép và thúc đẩy mô hình doanh nghiệp đồng sáng lập các viện nghiên cứu hoặc trung tâm đổi mới sáng tạo trong trường, trong đó trường đại học góp tri thức và cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp góp vốn đầu tư và định hướng thị trường. Thiết lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ trong trường đại học, làm cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và sinh viên.

Thứ ba, các trường đại học cần được toàn quyền quyết định việc sử dụng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu, dịch vụ chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế để tái đầu tư phát triển năng lực nghiên cứu. Thay đổi cách thức đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học của trường đại học, tập trung vào số lượng và chất lượng sản phẩm chuyển giao, sáng chế thương mại hóa, thay vì chỉ dựa trên số lượng bài báo khoa học. Ban hành chính sách đặc thù nhằm khuyến khích nghiên cứu tại các trường đại học, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp công nghệ cao, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng ý kiến với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho rằng, với mục tiêu xây dựng các trường đại học thành trung tâm nghiên cứu mạnh, có tính ứng dụng cao, việc đổi mới cơ chế tài chính, đầu tư và hỗ trợ từ nhà nước lẫn doanh nghiệp là cốt lõi.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh website trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh website trường

Về cơ chế tài chính và đầu tư từ nhà nước, cần tăng cường đầu tư công theo hướng đặt hàng - cạnh tranh. Trong đó, có thể chuyển từ cấp phát kinh phí sang đặt hàng nghiên cứu theo nhiệm vụ cụ thể, có gắn với nhu cầu xã hội hoặc chiến lược ngành. Thiết lập quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia độc lập vận hành theo cơ chế cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các viện – trường – doanh nghiệp. Tăng đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo trong các trường đại học có tiềm năng nghiên cứu.

Bên cạnh đó, có thể trao quyền cho các trường đại học tự quyết định việc phân bổ, sử dụng, trích lập quỹ nghiên cứu từ nguồn thu sự nghiệp, dịch vụ hoặc đối tác doanh nghiệp. Cho phép trường đại học liên doanh, liên kết hoặc thành lập các công ty spin-off, trung tâm chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư ngoài ngân sách.

Ngoài ra, nhà nước nên hỗ trợ tài chính cho các dự án hợp tác quốc tế, viện trợ, chương trình nghiên cứu chung, đồng thời nới lỏng quy định quản lý tài chính đối với quỹ quốc tế tài trợ.

Về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu trong trường đại học, cần có ưu đãi thuế và tín dụng, chẳng hạn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần chi R&D thông qua hợp tác với trường đại học theo tỷ lệ % cụ thể. Thiết kế các chính sách tài chính hấp dẫn như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất khi doanh nghiệp đầu tư phòng lab, trang thiết bị trong trường. Hình thành quỹ hợp tác công – tư (PPP) trong nghiên cứu, nhà nước và doanh nghiệp đồng tài trợ các chương trình nghiên cứu ứng dụng, có sự đồng sở hữu kết quả. Ngoài ra, có thể thí điểm mô hình “Quỹ đầu tư công nghệ đại học – doanh nghiệp” ở các trường đại học trọng điểm và phải có cơ chế bảo hộ quyền lợi doanh nghiệp.

Về hỗ trợ tổ chức trung gian và hệ sinh thái đổi mới, cần phát triển các trung tâm chuyển giao công nghệ, vườn ươm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo trong trường với hỗ trợ ban đầu từ nhà nước. Kết nối hệ thống đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp qua nền tảng số như: sàn giao dịch công nghệ, cổng thông tin nghiên cứu… Đào tạo đội ngũ quản trị R&D và thương mại hóa công nghệ chuyên nghiệp, đóng vai trò cầu nối giữa học thuật và thị trường.

 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh NTCC

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh NTCC

Thầy Hùng cũng nhấn mạnh, việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch là yếu tố then chốt để Việt Nam tận dụng được cơ hội vươn lên trong chuỗi giá trị công nghệ cao. Tuy nhiên, do đặc thù kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn và chuỗi cung ứng phức tạp, sự hợp tác cần có phương thức bài bản và chiến lược dài hạn.

Vì vậy, các trường đại học, viện nghiên cứu có thể hợp tác theo mô hình “đồng thiết kế - đồng phát triển - đồng lợi ích”. Trong đó, tham gia từ giai đoạn đầu của chuỗi nghiên cứu – phát triển sản phẩm, chứ không chỉ cung ứng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp đặt hàng cụ thể các module thiết kế, vi mạch tích hợp, giải pháp kiểm thử và trường đại học, viện nghiên cứu đóng vai trò là đơn vị R&D hỗ trợ. Từ đó, hai bên có thể chia sẻ kết quả nghiên cứu, bằng sáng chế và lợi nhuận dựa trên đóng góp.

Cùng với đó, thành lập các trung tâm nghiên cứu chung (joint lab). Các doanh nghiệp lớn như Intel, Samsung, Renesas… có thể hợp tác mở phòng lab bán dẫn trong trường đại học như: lab thiết kế chip, lab kiểm thử, lab vật liệu bán dẫn. Trong đó, trường đại học đảm nhận phần nghiên cứu cơ bản, đào tạo kỹ sư còn doanh nghiệp tài trợ trang thiết bị, đề tài nghiên cứu ứng dụng. Có thể nghiên cứu đặt các trung tâm này tại các trường đại học kỹ thuật trọng điểm chẳng hạn như các đại học quốc gia, đại học vùng.

Bên cạnh đó, phát triển chương trình đào tạo theo đặt hàng và chuẩn ngành. Trong đó, các trường đại học có thể thiết kế chương trình đào tạo bán dẫn theo chuẩn công nghiệp với sự tham gia của doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung, giảng dạy và thực hành. Cung cấp học bổng, thực tập và tài trợ thiết bị cho sinh viên, đồng thời cam kết tuyển dụng đầu ra. Đặc biệt, triển khai mô hình "co-op" hoặc "dual education" giữa đại học và nhà máy sản xuất vi mạch.

Thêm vào đó, thúc đẩy các chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia có liên kết ba bên. Tham gia các chương trình cấp quốc gia về phát triển ngành bán dẫn, trong đó dự án nghiên cứu có sự đồng tài trợ từ doanh nghiệp và nhà nước. Xây dựng các cụm nghiên cứu và sản xuất vi mạch, quy tụ đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trong cùng khu công nghệ cao.

Ngoài ra, cần tăng cường chuyển giao công nghệ và khai thác sở hữu trí tuệ. Các nhóm nghiên cứu nên đăng ký sáng chế sớm và sẵn sàng cấp phép công nghệ cho doanh nghiệp ứng dụng thương mại. Trường đại học cần có đơn vị chuyên về quản lý tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ, đóng vai trò cầu nối với doanh nghiệp.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-co-co-che-tai-chinh-phu-hop-de-thuc-day-hop-tac-cong-tu-trong-nckh-post251421.gd