Cần có giải pháp di dời, đóng cửa cơ sở gây ô nhiễm nặng ở Hà Nội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ phối hợp với Hà Nội để xác định, nắm rất rõ nguồn gây ô nhiễm nặng và có giải pháp, cơ chế xử lý dứt điểm.
Sáng 26-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội.
Phó Thủ tướng đề nghị TP Hà Nội báo cáo những dự án trọng điểm của quốc gia và TP đang chậm tiến độ liên quan đến áp dụng cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với UBND TP Hà Nội về 3 nhiệm vụ quan trọng cấp bách. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Các giải pháp tổng thể để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, các dòng sông. "Hà Nội đã đề xuất dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng mục tiêu phải là tất cả các dòng sông trên địa bàn thành phố phải được phục hồi. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cùng đồng hành", Phó Thủ tướng nói.
Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện mô hình "Thành phố an toàn giao thông".
Đã phân luồng xanh cho các dự án đầu tư công
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024. Tính đến ngày 24-3, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố là hơn 5.052 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy kế hoạch giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, UBND TP đã chỉ đạo phân luồng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư công; phân luồng xanh, yêu cầu xử lý trong vòng 24 giờ đối với 10 dự án quan trọng.
Thông tin về chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội, ông Đông cho biết, Hà Nội đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhưng lại kéo theo các hệ lụy về sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng.
Do đó, các biện pháp cảnh báo cộng đồng và ứng phó với ô nhiễm không khí là cần thiết và ưu tiên trước mắt. Thành phố đã rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý môi trường không khí; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí; tập trung giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế…
Cần các biện pháp mạnh trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Trung tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng Hà Nội cần đánh giá toàn diện về tổ chức giao thông, vận tải hành khách công cộng; có lộ trình giảm phương tiện cá nhân tại một số tuyến, địa bàn trọng điểm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm…
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị, cùng với việc nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố an toàn giao thông, Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp cấp bách.
Như, giảm lưu lượng phương tiện, mật độ dân cư khu vực nội đô; khắc phục xung đột giao thông tại các nút có mật độ giao thông cao; đẩy nhanh tốc độ thi công các công trình trên đường giao thông đang khai thác....

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ đăng ký thực hiện mô hình "Thành phố an toàn giao thông" và tích cực thúc đẩy, kết hợp với các chương trình, đề án về giao thông thông minh, đô thị thông minh, phát triển giao thông công cộng xanh…
Trình Thủ tướng Chính phủ đề án giải quyết ô nhiễm không khí vùng Thủ đô
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính, Bộ NN&MT, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu, giải đáp đầy đủ kiến nghị của Hà Nội, đề xuất cấp có thẩm quyền trên tinh thần phân cấp, phân quyền cho địa phương bố trí ngân sách thực hiện các dự án trọng điểm theo kế hoạch.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể trong đàm phán, bố trí ngân sách nhà nước đối với một số dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA; lập dự án độc lập thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đồng thời với việc chuẩn bị thủ tục đầu tư đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; phương án đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 cầu (Ngọc Hồi, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo); phương thức đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với trung tâm Hà Nội…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ phối hợp với Hà Nội để xác định, nắm rất rõ nguồn gây ô nhiễm nặng và có giải pháp, cơ chế xử lý dứt điểm. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ NN&MT phối hợp với Hà Nội, các địa phương vùng Thủ đô xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án giải quyết ô nhiễm không khí vùng Thủ đô.
Bộ NN&MT, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với TP Hà Nội để xác định, nắm rất rõ nguồn gây ô nhiễm, tỷ lệ, thời điểm ô nhiễm nặng. Có giải pháp, cơ chế để xử lý dứt điểm như: Di dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông…
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Hà Nội triển khai các giải pháp chấn chỉnh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.