Cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ tâm lý giúp người lao động sau tinh giản biên chế

Dù thay đổi là tất yếu cho sự phát triển, nhưng tác động tức thời đối với sức khỏe tâm lý của người lao động là không tránh khỏi. Nếu nhà quản lý không đưa ra giải pháp kịp thời, sẽ dẫn đến vấn đề lớn hơn trong tổ chức như giảm hiệu suất, giảm gắn bó, người lao động rơi vào trạng thái dè chừng và phòng vệ.

Đó là nhấn mạnh của PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Tâm lý - Xã hội tại Hội thảo Khoa học và thực tiễn “Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức ngày 27.3.

Đây là Hội thảo để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người lao động cùng thảo luận về thực trạng, cơ hội, thách thức của quá trình chuyển đổi nghề nghiệp trong khu vực công. Đồng thời, đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể từ chính sách Nhà nước, các chương trình đào tạo, đến cơ hội hợp tác với khu vực tư nhân, giúp người lao động tận dụng tốt nhất kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có để thích nghi và phát triển bền vững.

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mạnh Hưng

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mạnh Hưng

Mô hình cảm xúc của người lao động khi chuyển đổi nghề nghiệp

PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Tâm lý - Xã hội cho biết, dù thay đổi là tất yếu cho sự phát triển, nhưng tác động tức thời đối với sức khỏe tâm lý của người lao động là không tránh khỏi. Điều này dẫn đến những vấn đề lớn hơn trong tổ chức như giảm hiệu suất, giảm gắn bó, sự dè chừng, phòng vệ…

 PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Tâm lý - Xã hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Mạnh Hưng

PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Tâm lý - Xã hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Mạnh Hưng

Khi bắt đầu có sự thay đổi, nhiều người lao động có thể cảm thấy lo lắng hoặc sốc, khó hình dung về tương lai. Nguyên nhân do giai đoạn này, người lao động thiếu thông tin cần thiết để dự đoán những thay đổi sắp tới hoặc hiểu vai trò của họ trong tổ chức "mới".

Một số cá nhân khác có thể cảm thấy hạnh phúc, nhận ra nhu cầu thay đổi được người khác công nhận và chia sẻ, dẫn đến cảm giác nhẹ nhõm rằng điều gì đó sẽ thay đổi. Ngược lại, một số người sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc bị đe dọa; hoặc có thể phủ nhận, hành xử như thể sự thay đổi chưa xảy ra. Đây là một chiến lược đối phó thường được ví như hội chứng "đầu vùi trong cát". Những người khác có thể cảm thấy vỡ mộng, đặt câu hỏi về các giá trị, niềm tin và mục tiêu của tổ chức "mới".

"Rủi ro tiềm ẩn là nhân viên có thể trở nên thiếu động lực, mất tập trung và ngày càng bất mãn. Họ có thể bắt đầu rút lui, có thể bằng cách "bỏ cuộc lặng lẽ", phàn nàn hoặc thậm chí là từ chức", PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái chỉ rõ.

Lý tưởng nhất, các cá nhân sẽ tiến tới giai đoạn chấp nhận dần dần. Ở giai đoạn này, họ bắt đầu hiểu được môi trường thay đổi và vai trò của họ trong đó. Khi sự tự tin tăng lên, họ cảm thấy như “có ánh sáng ở cuối đường hầm” và thích ứng một cách tích cực với những thay đổi.

"Tất cả những cảm xúc này hoàn toàn bình thường. Theo mô hình đường cong thay đổi, người lao động nên được hướng dẫn qua từng giai đoạn, đạt đến đỉnh điểm ở giai đoạn cuối cùng: Hội nhập. Giai đoạn này biểu thị thời điểm các cá nhân bắt đầu lấy lại cảm giác kiểm soát của mình, bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, thể hiện sự hoạt động và hiệu quả tăng lên", PGS. TS Bùi Thị Hồng Thái nhấn mạnh.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Mạnh Hưng

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Mạnh Hưng

Hỗ trợ tâm lý người lao động sau tinh giản biên chế

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình theo xu hướng số hóa và hội nhập quốc tế, việc hỗ trợ tâm lý người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế là yếu tố quan trọng giúp họ vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong công việc.

Theo PGS. TS Bùi Thị Hồng Thái, có nhiều bước giao tiếp hiệu quả giúp người lao động ứng phó với sự thay đổi, bao gồm: Thông báo - Kết nối - Hướng dẫn - Gắn kết.

Bước đầu, nhà quản lý cần thông báo, chia sẻ thông tin sớm và đủ thường xuyên, trao đổi sự thật và không đưa lời hứa không chắc chắn cho người lao động. Thứ hai, kết nối, tạo môi trường tương tác với nhân viên, cung cấp hỗ trợ cảm xúc, tri thức và khuyến khích người lao động cùng hỗ trợ nhau.

Tiếp đó, các nhà quản lý cần đưa ra các bước cụ thể để tổ chức lại nhân sự và trao quyền cho nhân viên tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề. Cuối cùng, cần thúc đẩy sức mạnh của tập thể, tăng cường sự kết nối và gắn kết đội ngũ thành một khối đoàn kết.

 Người lao động ở khu vực công đối mặt với nhiều "gánh nặng" tâm lý sau tinh giản biên chế. Ảnh minh họa

Người lao động ở khu vực công đối mặt với nhiều "gánh nặng" tâm lý sau tinh giản biên chế. Ảnh minh họa

PGS. TS Bùi Thị Hồng Thái nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người lao động bị ảnh hưởng bởi sự sáp nhập, chuyển đổi hoặc nghỉ việc là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi tổ chức.

Để hỗ trợ người lao động, cần tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp dựa trên năng lực, tính cách và các nguồn lực mà cá nhân người lao động đang có và các nguồn lực từ tổ chức hay huy động được từ bên thứ ba, từ thị trường lao động.

Đồng thời, cần hướng dẫn người lao động chủ động tìm kiếm và chuyển đổi sang công việc mới phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân. Đào tạo người lao động tự chăm sóc sức khỏe tâm lý thông qua việc quản lý cảm xúc, tư duy tích cực và xây dựng lối sống lành mạnh,...

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-co-giai-phap-kip-thoi-ho-tro-tam-ly-giup-nguoi-lao-dong-sau-tinh-gian-bien-che-post408571.html