Hiến kế hút vốn ngoại vào thị trường Việt Nam

Dư địa hút vốn còn rộng mở, nhưng theo ý kiến của nhiều quỹ đầu tư, Việt Nam cần quyết liệt và đẩy nhanh tốc độ thực hiện các chính sách chủ chốt để thu hút vốn nước ngoài, trong đó tập trung đưa thêm nhiều hàng hóa chất lượng lên sàn và phát triển đa dạng sản phẩm tài chính.

Hiến kế

Tại Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, diễn ra cuối tuần qua, ông Don Lam, Tổng giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho biết, các quỹ đầu tư tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc huy động vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chiếm tới 90% tổng số nhà đầu tư. Đa số trong nhóm này tham gia thị trường theo hướng tự mua bán, lướt sóng ngắn hạn, thay vì đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Thực trạng này khiến thị trường thiếu ổn định, không đảm bảo định hướng đầu tư dài hạn.

Để thúc đẩy ngành quỹ phát triển, đã có rất nhiều đề xuất từ các quỹ đầu tư tham gia Hội nghị, trong đó tập trung ở các đề xuất về loại bỏ giới hạn phân bổ 10% cho trái phiếu phát hành riêng lẻ trong quỹ trái phiếu mở…; đề xuất sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để cho phép các ngân hàng thương mại phân phối các sản phẩm tài chính, với giấy phép phù hợp, như thông lệ toàn cầu.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh quá trình IPO và cổ phần hóa doanh nghiệp; đơn giản hóa và đẩy nhanh các thủ tục cấp phép và quy trình phê duyệt cho các sản phẩm đầu tư, IPO/niêm yết và phát hành trái phiếu. Tăng yêu cầu về xếp hạng tín dụng đối với cả trái phiếu và các công ty phát hành. Đảm bảo việc nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi (EM).

Tiếp tục giới thiệu và phát triển sản phẩm mới như các quỹ quốc gia và bổ nhiệm các nhà quản lý quỹ nghiệp để quản lý hoặc đồng quản lý; tạo ưu đãi để phát triển các quỹ hạ tầng; phát triển các quỹ ETF chủ động, ETF trái phiếu, ETF thị trường tiền tệ và các quỹ bền vững (ESG)...

Ở góc nhìn từ nhà quản lý tài sản, ông Albert Kwang-Chin Ting, Chủ tịch Công ty Chứng khoán và Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng cho biết, hiện nay có 105 quỹ đầu tư chuyên biệt vào Việt Nam, với tổng quy mô là 9,6 tỷ USD. Theo khảo sát, hiện nhiều quỹ đầu tư có vốn trên 500 triệu USD không thể thực hiện được giao dịch tại Việt Nam do giới hạn sở hữu nước ngoài, nên cần nâng giới hạn sở hữu nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tăng tính thanh khoản trên thị trường thông qua quỹ ETF để thực hiện giao dịch tốt hơn.

Nhiều giải pháp đang triển khai

Chia sẻ bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thị trường chứng khoán đạt nhiều kết quả đáng tự hào, nhưng xét trên góc độ phát triển bền vững, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Hiện tại, số lượng nhà đầu tư trên thị trường chỉ đạt khoảng hơn 1% dân số, trong khi tỷ lệ tài khoản của các nhà đầu tư tổ chức và quỹ đầu tư vẫn còn rất thấp. Đây là một trong những vấn đề lớn mà Bộ Tài chính cùng các cơ quan quản lý thị trường đang nỗ lực khắc phục với nhiều giải pháp để thay đổi.

Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất chính sách cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều này sẽ tạo ra một nhóm hàng hóa chất lượng cao, có hàm lượng công nghệ lớn và quản trị tốt, góp phần thu hút dòng vốn quốc tế.

- Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2024, trong đó có nhiều điều khoản nhằm hỗ trợ phát triển các quỹ đầu tư.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, rà soát lại các quy định về đầu tư, tài khoản và hoạt động của công ty quản lý quỹ, nhằm tháo gỡ những rào cản có thể hạn chế tính năng của các quỹ đầu tư, đặc biệt là từ các thị trường lớn như Mỹ’, ông Chi nói.

Ngoài ra, để thu hút và giữ chân các quỹ đầu tư nước ngoài, chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán cần được nâng cao. Cần gia tăng số lượng cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn cao về quản trị và tài chính.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính cần được thiết kế theo hướng hiện đại, phát triển các sản phẩm tài chính mới như tài chính xanh, tài chính số, góp phần thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thu hút đầu tư chất lượng, mà còn phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đang triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm, trong đó đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…

Trong đó, UBCKNN tích cực triển khai các giải pháp đa dạng hóa nguồn cung hàng cho các quỹ, như thúc đẩy doanh nghiệp cổ phần hóa lên niêm yết, xây dựng cơ chế phát hành trái phiếu cho dự án PPP…

Bên cạnh đó, cơ chế phát hành chứng chỉ lưu ký đã được ban hành, các hướng dẫn về kỹ thuật đã được hoàn thiện, giúp công ty Việt Nam có thể phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) trên thị trường quốc tế, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. Ngoài ra, UBCKNN đang dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 98/2020/TT-BTC theo hướng nâng hạn mức đầu tư của quỹ vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Phan Hằng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hien-ke-hut-von-ngoai-vao-thi-truong-viet-nam-d260340.html