Cần có giải pháp tổng thể để ứng phó với sụt giảm nguồn nước sông Mê Công

Với vị trí nằm giáp biển, cuối nguồn sông Mê Công, Bạc Liêu được đánh giá là một trong những địa phương chịu tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu và sụt giảm lượng nước từ hệ thống sông Mê Công, nhất là triều cường dâng và xâm nhập mặn. Điều này, đặt ra nhiều thách thức không riêng cho Bạc Liêu mà các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị toàn thể lần thứ hai năm 2019 của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đầu tháng 12/2019 vừa qua, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng cần có giải pháp tổng thể để Bạc Liêu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó từ biến đổi khí hậu và sụt giảm lượng nước từ hệ thống sông Mê Công.

Mở đầu bài phát biểu, ông Lê Minh Chiến cho biết, ở kỳ họp lần thứ nhất, với trách nhiệm là thành viên của Ủy ban sông Mê Công, các địa phương ít lo hơn do chủ yếu là bàn công tác của ủy ban nhưng ở cuộc họp thứ hai, trước những thông tin tại hội nghị thì bắt đầu lo nhiều hơn. Đặc biệt, trong mùa khô 2020 với những diễn biến trên hệ thống sông Mê Công như thông tin chia sẻ, sẽ tác động, ảnh hưởng rất lớn đến đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Bởi với vị trí nằm giáp biển, cuối nguồn sông Mê Công, khoảng từ năm 1986, mỗi năm lượng phù sa từ sông Hậu bồi lắng ra cho Bạc Liêu khoảng 40 m và làm giảm rất nhiều các sạt lở ở bên bờ biển, bờ sông. Đến nay, dòng nước sông Mê Công về yếu cộng với mùa mưa kết thúc sớm, hạn hán kéo dài đã tác động rất lớn đến tỉnh. Đó là tình trạng triều cường ngày càng tăng và lấn sâu vào khu vực nội địa, gây ngập úng nhiều nơi ở các địa phương. Cùng với đó là hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển và kè cửa sông do thay đổi dòng chảy và sóng to, gió lớn, gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Và thực tế là trước đây tháng 8 đến tháng 10 là lúc triều cường lớn nhất trong năm mới có thể gây ngập úng, nhưng hiện nay thì hầu như tháng nào đến ngày nước lớn là ngập.

 Dòng sông Mekong có dòng chảy lớn và nhiều phù sa. Ảnh tư liệu

Dòng sông Mekong có dòng chảy lớn và nhiều phù sa. Ảnh tư liệu

Để đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với bến đổi khí hậu, sụt giảm lượng nước sông Mê Công cần có giải pháp tổng thể. Cụ thể, đối với Ủy ban sông Mê công Việt Nam, với vai trò là cơ quan thường trực của Bộ Tài nguyên Môi trường cần phối hợp với các bộ ngành ở Trung ương tăng cường đàm phán, đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa với các quốc gia chung lưu vực sông Mê Công để có thể hợp tác, chia sẻ quyền lợi nguồn nước đối với các quốc gia cuối nguồn; trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Bởi trên thế giới nhiều dòng sông lớn chảy qua nhiều quốc gia họ cũng có những quy định về hợp tác chia sẻ quyền lợi. Tuy điều này là rất khó bởi các quốc gia cũng vì sự phát triển của đất nước họ. Trước đây chỉ có vấn đề thủy điện nhưng hiện nay các quốc gia đang đặt vấn đề chuyển nước ra khỏi dòng chính của sông Mê Công. Điều này sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến Đồng bằng sông Cửu Long ở cuối nguồn. Thứ hai cùng với thông tin từ Ủy ban sông Mê Công cung cấp và từ thông tin đại chúng thì các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có sự chia sẻ thông tin. Nhất là các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, dự trữ nguồn nước ngọt trong mùa khô năm nay. Để trên cơ sở đó Bạc Liêu có những giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Mặt khác, hiện nay tình trạng sử dụng quá mức nguồn nước ngầm ở vùng bán đảo Cà Mau gây nên hiện tượng sụt lún và ô nhiễm đối với nguồn nước ngầm. Điều này, cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong quá trình phát triển đối với Bạc Liêu. Nếu không cho người dân khai thác nguồn nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất thì không được; trong khi các chủ trương của Trung ương về việc dẫn nguồn nước ngọt về phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân còn chậm. Do đó, cùng với sớm xây dựng quy hoạch cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở để quản lý nguồn nước ngầm cho đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban sông Mê Kông phải có sự tác động nhiều hơn về mặt trách nhiệm để Bộ, ngành của Trung ương vào cuộc một cách quyết liệt thì mới xử lý được.

Trong thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư nhiều công trình ngăn xâm nhập mặn nhưng một công trình mang tính tổng thể dự trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô chưa được tình đến. Với hệ thống kênh rạch chằng chịt nếu tận dụng được để hình thành như các hồ tự nhiên để trữ nước ngọt từ thượng nguồn đổ về trong mùa mưa, thì sẽ đủ lượng nước cầm cự trong một vài tháng mùa khô và cũng không lãng phí nguồn nước ngọt hàng năm đổ về và chảy thẳng vào biển Đông. Cùng với xây dựng các công trình chống biến đổi khí hậu, việc phòng chống xâm nhập mặn sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là ở những công trình cứng mà cần có những giải pháp phi công trình để phá sóng, gây bồi từ xa như phát triển đai rừng phòng hộ, bảo vệ tuyến đê biển và hạ tầng bên trong. Cụ thể, ở những nơi nào có thể trồng rừng tạo bãi cây bồi để trồng rừng, để chống sạt lở thì phải tiến hành.

Với những giải pháp tổng thể; kết hợp giữa các công trình cứng và phi công trình, hi vọng rằng đồng bằng sông Cửu Long có thể để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, nhằm giảm nhẹ những tổn thương từ biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

Lam Giang

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chung-tay-phat-trien-ben-vung-song-me-cong/can-co-giai-phap-tong-the-de-ung-pho-voi-sut-giam-nguon-nuoc-song-me-cong-76361.html