Cần có giải pháp ưu tiên thúc đẩy tham gia bảo hiểm xã hội

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, với mục đích của chính sách là gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, tiến đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, cần có giải pháp ưu tiên thúc đẩy tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.

Tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng trợ cấp hưu trí

Chiều 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 17, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội có lịch sử không dài, nhưng trong đó có rất nhiều bài toán không chỉ ảnh hưởng khu vực công mà cả thị trường, đến an sinh xã hội, đặc biệt là dân số trong độ tuổi lao động.

Trong đó, bảo hiểm xã hội có các yếu tố kinh tế, chính là vấn đề đóng-hưởng và vấn đề tài chính, liên quan kỹ thuật… đều là các vấn đề rất khó.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ 17. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ 17. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, Luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2014 đã có cải cách lớn, tổng thể, với một loạt điều chỉnh, trong đó có chế độ hưu trí.

Ở lần sửa đổi lần này, sẽ không điều chỉnh các vấn đề liên quan mức đóng, tỷ lệ đóng để bảo đảm cân bằng quỹ trong dài hạn, thay vào đó là nhằm hoàn thiện hơn Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương với quy định bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn kinh nghiệm ở một số nước khi chế độ hưu trí bắt buộc là mức thấp nhất, cơ bản nhất, muốn hưởng mức cao khi về hưu thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bổ sung.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thì ngược lại, phụ thuộc vào mức đóng. Trên thực tế, lương hưu bình quân ở mức 5,4-5,6 triệu đồng/người/tháng, nhưng mức đóng chưa vượt qua 6 triệu đồng để hưởng chế độ hưu trí khoảng 5,7-5,8 triệu đồng/tháng.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu rõ, chế độ hưu trí về bản chất tính chia sẻ thể hiện nhiều và chủ yếu ở các chế độ ngắn hạn, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 17. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 17. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trên thực tế, hiện ngân sách nhà nước chi trả cho khoảng 2,2 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng. Điều này dẫn đến bắt buộc phải có cải cách, sửa đổi và quan tâm tính toán tăng số người tham gia trong hệ thống, vì hiện số lượng người tham gia lực lượng lao động cao sau này nghỉ hưu sẽ lớn, trong khi Việt Nam hiện có 14 triệu người cao tuổi nhưng chỉ khoảng 5,5-6 triệu người có lương hưu, trợ cấp.

Bên cạnh đó, theo các dự báo, đến năm 2036-2038, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già, với số người cao tuổi cao, cho nên càng đặt ra bài toán khó cho vấn đề hưu trí.

Cũng góp ý vào vấn đề hưu trí, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa bày tỏ nhất trí về quy định sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu.

“Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai”, đại biểu Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điều này là phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW.

“Thực ra, theo nguyên tắc thì đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nên 10-15 hay 20 năm đều có cơ sở. Tôi đồng ý với dự thảo luật về nội dung này. Điều này cũng trực tiếp liên quan đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội với điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Hơn nữa, quy định này là cũng nhằm giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu” - đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Bảo đảm lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân

Đại biểu Tạ Thị Yên nhận định, vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì có sự xung đột lợi ích.

"Người đóng bảo hiểm xã hội mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình còn nhà nước lại muốn bảo vệ lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội. Mong muốn của cả hai bên đều rất chính đáng", bà Yên nói.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, trong thực tế, tiền đóng bảo hiểm xã hội là để dưỡng già và gắn với bảo hiểm y tế vốn được chi trả như nhau và không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng bảo hiểm xã hội. Với mục tiêu mở rộng hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội bảo hiểm y tế, những người rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ vẫn được Nhà nước bảo đảm.

Cũng không có cơ sở lo lắng về trượt giá vì thực tiễn cho thấy, mỗi khi cải cách tiền lương, nâng mức lương tối thiểu thì Nhà nước luôn điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.

Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, bà nghiêng về phương án 2 là bảo đảm lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân.

Theo đại biểu Yên, Nghị quyết 28 cũng đã chỉ rõ có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí cũng như giảm quyền lợi nếu như hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Do đó, theo đại biểu, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như trong dự thảo luật là rất cần thiết, hợp lý và nhân văn như giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm, hay hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp chưa đủ điều kiện nhận lương hưu, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-co-giai-phap-uu-tien-thuc-day-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-post780772.html