Cần có Luật Nhà giáo càng sớm càng tốt

Có Luật Nhà giáo càng sớm càng tốt, sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc về đội ngũ giáo viên, vì đây là vấn đề cả xã hội đang rất quan tâm.

Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, nhiều giáo viên đã rất phấn khởi và mong Quốc hội sớm thông qua.

Liên quan vấn đề này, Báo GD&TĐ đã phỏng vấn thầy giáo Đào Văn Phúc - Thư ký Hội đồng Trường THPT Quan Sơn (huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa).

- Nghề dạy học được nhắc nhiều trong một số điều khoản Luật Giáo dục, Luật giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp,... Vậy, theo thầy, có nhất thiết cần sớm ban hành Luật Nhà giáo không? Khi ban hành, Luật Nhà giáo có vai trò và ý nghĩa như thế nào?

Thầy Đào Văn Phúc - Thư ký Hội đồng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Thầy Đào Văn Phúc - Thư ký Hội đồng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

- Theo tôi, Luật Nhà giáo nên được ban hành càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, hiện nay, Ngành Giáo dục đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm. Nhiều Thông tư, Nghị định đã được ban hành với mục đích thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục…

Cùng với đó, là những cơ chế ưu tiên cho sinh viên học ngành sư phạm, như: Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, tân sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ các khoản, như sau:

Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo các trường Đại học đào tạo chuyên ngành sư phạm mở thêm các lớp chất lượng cao để thu hút thêm nhiều học sinh có trình độ vào ngành sư phạm.

Từ đó, đội ngũ nhà giáo ngày càng có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cao. Các nhà giáo tâm huyết, chủ động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Minh chứng rõ nét là, đội ngũ nhà giáo đã thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh “đại dịch Covid-19; mưa bão, lũ lụt…”, thay đổi sách giáo khoa mới, nhưng thầy - trò vẫn đảm bảo dạy học và vẫn đạt được những thành tích cao...

Có được kết quả trên là nhờ vào sự thích ứng nhanh của giáo viên, chủ động linh hoạt chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, cũng như có sự thay đổi phù hợp trong phương pháp và kiến thức truyền đạt đến học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019. Còn nhiều giáo viên còn có hành vi, việc làm chưa chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo…

Đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà giáo giảng dạy ở vùng miền núi cao, biên giới, hải đảo... Từ những vấn đề thực tiễn cho thấy, cần thiết phải có Luật Nhà giáo.

Thầy Đào Văn Phúc (đứng giữa hàng đầu) cùng học trò và các đồng nghiệp ở Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Thầy Đào Văn Phúc (đứng giữa hàng đầu) cùng học trò và các đồng nghiệp ở Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Khi có Luật Nhà giáo, sẽ giải quyết những bất cập và vướng mắc về đội ngũ giáo viên. Qua đó, nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với khu vực và thế giới. Đây là vấn đề không chỉ có đội ngũ nhà giáo, mà phụ huynh, học sinh cả nước kỳ vọng.

- Luật Nhà giáo khi ban hành có củng cố vai trò, vị thế của nhà giáo? Kỳ vọng của nhà giáo khi ban hành Luật Nhà giáo là gì, thưa thầy?

- Như tôi đã trao đổi ở trên, khi có Luật Nhà giáo, sẽ giải quyết những bất cập và vướng mắc về đội ngũ giáo viên. Qua đó nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với khu vực và thế giới. Đây là vấn đề không chỉ có đội ngũ nhà giáo mà phụ huynh, học sinh cả nước kỳ vọng.

Kỳ vọng của nhà giáo khi ban hành Luật Nhà giáo, là nâng cao địa vị xã hội và địa vị kinh tế của đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tâm huyết phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục để tiếp tục khẳng định, tôn vinh, giáo dục tinh thần “Tôn sư trọng đạo”.

Đặc biệt, có chế độ chính sách ưu đãi phù hợp đối với giáo viên đang công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Theo thầy, đối với giáo viên đang công tác ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn, Luật Nhà giáo ban hành sẽ có tác động như thế nào?

- Hiện nay, ở các vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn luôn thiếu nhiều giáo viên ở tất cả các cấp học. Bên cạnh đó, có nhiều giáo viên biên chế xin ra khỏi ngành.

Giờ tan lớp của học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Giờ tan lớp của học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Nhiều giáo viên trúng tuyển khi tuyển dụng viên chức làm giáo viên ở các vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng không thực hiện nhiệm vụ. Cũng có nhiều giáo viên đang công tác nhưng chưa thực sự tâm huyết, luôn tìm cơ hội để có thể luân chuyển về miền xuôi…

Giáo viên công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã phải trải qua quãng đường khó khăn, cách trở, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn…

Thế nhưng, giáo viên không được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi phù hợp, với mức lương theo quy định, nên không đáp ứng được nhu cầu đi lại, ăn ở, sinh hoạt của giáo viên. Đó cũng chính là lý do mà có rất nhiều giáo viên bỏ nghề, không tâm huyết hay chuyên tâm công tác.

Khi có Luật Nhà giáo, quyền lợi của giáo viên được đảm bảo, có chế độ chính sách ưu đãi phù hợp đối với giáo viên đang công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, sẽ tạo được động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Ngoài ra, sẽ là điều kiện thuận lợi, để thu hút giáo viên từ miền xuôi lên công tác, đảm bảo về số lượng, chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Từ đó, giúp cho chất lượng giáo dục của vùng vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ngày càng phát triển hơn hiện nay.

Xin cảm ơn thầy!

Thầy giáo Đào Văn Phúc, năm nay 35 tuổi, là giáo viên dạy Toán, quê ở xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tháng 10/2011, thầy Phúc được biên chế vào Trường THPT Quan Sơn 2 (nay là Trường THCS&THPT Quan Sơn, Thanh Hóa). Từ tháng 9/2014, thầy được luân chuyển về công tác tại Trường THPT Quan Sơn đến nay.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-co-luat-nha-giao-cang-som-cang-tot-post652249.html