Cần có một con đập trên kinh Nguyễn Tấn Thành để bảo vệ xa hơn, an toàn hơn

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn vùng Trung tâm tỉnh vào chiều ngày 24-4, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho rằng: 'Sau năm 2020, cần có một con đập trên kinh Nguyễn Tấn Thành để bảo vệ xa hơn, an toàn hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại hội nghị.

Vị trí vùng Dự án Bảo Định rất quan trọng, chính vì vậy, việc bảo vệ cho vùng này trong mùa hạn, mặn năm 2020 chúng ta đã có kịch bản ngay từ đầu.

Tuy nhiên, do diễn biến của xâm nhập mặn năm nay phức tạp và chưa thể lường trước nên chúng ta có những giải pháp xử lý như đã thực hiện trong thời gian qua.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã bảo vệ được vùng này về độ mặn ổn định dưới 2 g/l, đặc biệt là đảm bảo được nguồn nước bổ cấp cho 2 nhà máy nước Bình Đức, Đồng Tâm.

Đó là những thành quả rất lớn mà chúng ta đã thực hiện được đối với chỉ đạo trong phương án ứng phó với hạn, mặn trong thời gian qua”.

Cũng theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, trước mắt, các địa phương cần tiếp tục vận chuyển nước ngọt miễn phí để cấp cho người dân tưới cây trồng theo phương án đã ban hành của tỉnh.

Về việc tháo dỡ đập tạm phải được quan trắc thực hiện chặt chẽ. Về lâu dài, các ngành có liên quan và địa phương cần rà soát lại hệ thống thủy lợi trên địa bàn.

Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tuyên truyền, vận động người dân dự trữ nước trong mương, ao, rà soát các vị trí để làm các ao chứa nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Về vấn đề cấp nước cho Nhà máy nước Bình Đức và Nhà máy nước Đồng Tâm, đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu các ngành có liên quan cần tính toán đầu tư cố định để có nguồn nước phục vụ việc sản xuất nước sinh hoạt của 2 nhà máy….

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước ảnh hưởng của hạn, mặn, tỉnh đã kịp thời triển khai các giải pháp để phòng, chống như: Tổ chức quan trắc mặn, mực nước tại 73 điểm; kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn, đắp các đập, đóng các cống; phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập và các cống trên Quốc lộ 62; đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập khác; tiến hành xả nước mặn qua cống Bảo Định để rút mặn khu vực gần cống…

Để bảo vệ vùng cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Châu Thành, tỉnh đã ban hành phương án vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất cây ăn trái khác ở các huyện phía Tây.

Đến ngày 21-4, huyện Châu Thành đã vận chuyển được hơn gần 56 ngàn m3 nước, phân phối hơn 42 ngàn m3 cho 2.230 hộ dân.

Trên cơ sở đó, đến nay, tỉnh đã hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do hạn, mặn đối với vùng Trung tâm tỉnh.

Cụ thể, diện tích cây ăn trái tại huyện Châu Thành bị ảnh hưởng là 16 ha; rau màu bị thiệt hại 357 ha, trong đó, tỷ lệ thiệt hại từ 30% - 70% là 231 ha, thiệt hại trên 70% là 125 ha.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202004/can-co-mot-con-dap-tren-kinh-nguyen-tan-thanh-de-bao-ve-xa-hon-an-toan-hon-897870/