'Cần có một con đường mang tên Anh Đức ở Cà Mau'
Đó là chia sẻ của nhà văn Cao Chiến tại hội thảo 'Nhà văn Anh Đức - Cuộc đời và sự nghiệp' do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức ngày 18-12, nhân 10 năm nhà văn Anh Đức đi xa.
Theo chia sẻ của nhà văn Cao Chiến, ông từng đến mộ chị Phan Thị Ràng (ở Hòn Đất), rồi đi Cà Mau không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào đến đây cũng khiến ông nhớ đến tác phẩm Bức thư Cà Mau của nhà văn Anh Đức. Theo ông, văn chương của Anh Đức toát lên vẻ đẹp của sự sang trọng, gần gũi, lần nào đọc cũng khiến ông thấm thía, lôi cuốn và xao xuyến.
“Nên chăng, người Cà Mau hãy nhìn nhận lại, cùng nhau đề xuất một con đường mang tên Anh Đức ở Cà Mau, nơi mà ông đã sống chết với nó. Nếu có một con đường như vậy cũng là sự tôn vinh nhà văn Anh Đức, cũng như tôn vinh văn chương của ông”, nhà văn Cao Chiến đề xuất.
Nhà văn Anh Đức (1935 - 2014) tên thật Bùi Đức Ái. Ông sinh ra tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. 13 tuổi, cậu thiếu niên Bùi Đức Ái đã đi theo kháng chiến, giúp việc cho tạp chí Lá Lúa, tạp chí Văn Nghệ Nam bộ. Trong những ngày gian khổ chống Pháp, Bùi Đức Ái dưới sự hướng dẫn của nhà văn Đoàn Giỏi đã tập sáng tác văn chương. Với tập truyện đầu tay Biển động, Bùi Đức Ái đã đạt giải thưởng văn học Cửu Long năm 1952 và chuyển sang làm phóng viên báo Cứu Quốc Nam bộ.
Có thể nói, sự nghiệp văn chương của nhà văn Anh Đức được chia thành hai giai đoạn: trước và sau năm 1962. Ở giai đoạn nào, ông cũng có những tác phẩm nổi bật, được dựng thành phim, tạo được tiếng vang không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
Năm 1958, khi còn sống và làm việc ở miền Bắc, nhà văn Anh Đức sáng tác tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện với tên thật Bùi Đức Ái, được ấn hành rồi được dàn dựng thành bộ phim Chị Tư Hậu gây tiếng vang rất lớn, đã nhanh chóng đưa tên tuổi Bùi Đức Ái vào hàng ngũ những gương mặt văn chương Nam bộ nổi tiếng trên đất Bắc.
Sau năm 1962, khi quay vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ông sáng tác với bút danh Anh Đức. Chính tại mảnh đất Nam bộ trong những ngày khói lửa, ông đã sáng tác một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất trong sự nghiệp là Hòn Đất. Từ nguyên mẫu nữ anh hùng Phan Thị Ràng, nhà văn Anh Đức đã xây dựng thành nhân vật chị Sứ. Tác phẩm này sau đó cũng được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên, là một trong những bộ phim kinh điển về cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, bày tỏ: “10 năm nhà văn Anh Đức đi xa, chúng ta nhớ về ông là nhớ về một con người luôn ứng xử chan hòa và chừng mực, là nhớ về một con người tận tụy với sáng tạo và cần mẫn với công việc. Và hơn hết, nhớ về ông là nhớ về một nhà văn tiêu biểu, trọn đời cống hiến để làm phong phú thêm cho văn học Nam bộ, làm giàu thêm cho văn học cách mạng Việt Nam”.
Nhà văn Anh Đức được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Ngoài sáng tác, nhà văn Anh Đức còn đóng góp tích cực cho các hoạt động văn học nghệ thuật và cho sự phát triển chung của cộng đồng. Trong suốt quá trình cống hiến của mình, nhà văn Anh Đức gắn bó với công việc viết văn và làm báo. Ông từng giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Giải phóng, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn TPHCM, Tổng Biên tập Tạp chí Văn... Ông là đại biểu Quốc hội khóa 7.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-co-mot-con-duong-mang-ten-anh-duc-o-ca-mau-post773640.html