Cần có những quy định cụ thể về chính sách đãi ngộ cho nhà giáo

Tại Phiên họp thứ 37, ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật cũng sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Đây là dự án Luật được các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang rất quan tâm. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đã có những nhìn nhận xung quanh dự án Luật này.

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng, phần lớn các quốc gia không có một luật riêng về nhà giáo, mà quy định ở Luật Giáo dục và các luật chuyên ngành có liên quan. Tuy nhiên, lại cũng nhiều ý kiến ủng hộ sự cần thiết xây dựng luật. Đại biểu nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến: Nhìn từ thực tiễn những năm qua cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được, đội ngũ nhà giáo và công tác phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp còn tồn tại nhiều bất cập, cho nên cần thiết phải có một luật riêng để giải quyết. Các quy định cụ thể để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo được ban hành nhiều, song chưa bảo đảm được tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp, vẫn có tình trạng chồng chéo, khó áp dụng trong thực tiễn.

Đội ngũ nhà giáo là người Việt Nam giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì Luật Viên chức điều chỉnh, còn nhà giáo là người Việt Nam giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy thì do pháp luật về lao động điều chỉnh dẫn đến không có sự thống nhất trong quản lý, không đảm bảo sự bình đẳng trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với các nhà giáo.

 Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo

Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo

Bên cạnh đó là vấn đề mất cân đối trong cơ cấu, vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông tại nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết triệt để… Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… cũng chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo. Đời sống của nhiều nhà giáo còn khó khăn, nhà giáo chưa thể sống được bằng nghề. Tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non…

Điều này dẫn tới tình trạng một bộ phận không nhỏ nhà giáo đã bỏ nghề, chuyển việc; đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục, đào tạo...

Do đó, tôi cho rằng, để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo thời gian qua thì cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo trong thời điểm hiện nay.

+ Vậy, theo ông, trong quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo lần này, cơ quan soạn thảo cần bám sát những quan điểm nào?

- Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến: Cơ quan soạn thảo cần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện về nhà giáo.

Bên cạnh đó, kiến tạo một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; bảo đảm sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; thống nhất đầu mối và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhà giáo. Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trên thế giới có quy định của pháp luật về nhà giáo.

 Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến

+ Tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Theo Đại biểu, dự án Luật có những đề xuất mới nào đáng chú ý so quy định hiện hành và những nội dung nào cần phải tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi khi Luật khi đi vào cuộc sống?

- Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến: Tôi thấy rằng, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới so với quy định về nhà giáo hiện hành tại các Luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp...

Cụ thể, dự thảo Luật đã khẳng định và làm rõ hơn vai trò của nhà giáo; thống nhất nguyên tắc và các chính sách quản lý, phát triển nhà giáo; làm rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo với tính chất là hoạt động đặc thù so với các ngành, nghề khác; quy định đầy đủ về quyền của nhà giáo theo hướng tăng quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục; quyền được làm việc trong môi trường an toàn, được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và thăng tiến nghề nghiệp; quy định cụ thể, tường minh về chế độ làm việc, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo; nhà giáo dạy liên trường để bảo đảm quyền lợi cho nhà giáo…

Việc quy định về chuẩn hóa chức danh, chuẩn nhà giáo thống nhất đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập giúp thống nhất quản lý đối với tất cả nhà giáo, đảm bảo chất lượng nhà giáo nói chung và tạo cơ hội học tập bình đẳng của người học ở tất cả vùng, miền, loại hình cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo. Theo đó, nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Tôi cho rằng quy định này có ý nghĩa động viên các nhà giáo rất lớn, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút nhà giáo công tác lâu dài trong ngành giáo dục… Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động kỹ lượng về nguồn lực tài chính để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Luật.

Về đối tượng áp dụng, cơ quan soạn thảo đang đề xuất dự thảo Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong thực tế hiện nay, có rất nhiều cơ sở chăm sóc trẻ em mồ côi, cơ nhỡ đang hoạt động. Những người chăm sóc, trông nom trẻ em tại các cơ sở này thường được gọi là bảo mẫu. Những người này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ, giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, giao tiếp và thể chất, hình thành nền tảng giáo dục cho trẻ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, gần như không có bất kỳ quy định cụ thể nào về quyền lợi, nghĩa vụ hay chính sách tiền lương dành cho nghề bảo mẫu. Tôi cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo lần này cũng cần thể hiện rõ các đối tượng trên có được coi là giáo viên không, có thuộc vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Nhà giáo hay không?

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng, trình độ của nhà giáo trong ngành giáo dục, tôi cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cũng cần có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn đầu vào đối với các trường tuyển sinh chuyên ngành sư phạm, đào tạo giáo viên trong thời gian tới.

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!

Thiên An (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-co-nhung-quy-dinh-cu-the-ve-chinh-sach-dai-ngo-cho-nha-giao-post313969.html