Cần có phương án quản lý chất lượng thực phẩm từ thiện
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng làm từ thiện bằng thực phẩm. Sự cố an toàn thực phẩm tại Lễ hội chùa Ông Bổn (TP. Thuận An) vừa qua cho thấy cần có phương án siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm từ thiện. Tuy nhiên, việc quản lý mặt hàng từ thiện còn là mảng trống, chưa có cách quản lý hiệu quả vì đây là hoạt động tự phát.
Bác sĩ Trung tâm Y tế TP.Thuận An thăm khám cho bệnh nhân bị sự cố an toàn thực phẩm tại Lễ hội chùa Ông Bổn
Tự phát nên khó quản lý hiệu quả
Từ thiện là nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của dân tộc ta nói chung và người Bình Dương nói riêng. Vào dịp lễ hội, người dân thường tổ chức nấu cơm, làm bánh... phát miễn phí cho người đi đường, người đến tham dự sự kiện, người phục vụ lễ hội. Đây là việc làm đáng trân quý, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, sự cố an toàn thực phẩm tại Lễ hội chùa Ông Bổn vừa qua cho thấy cần có phương án siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm từ thiện từ các cấp chính quyền.
Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết căn cứ các quy định của pháp luật, thực phẩm từ thiện không thuộc loại hình đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động này đa phần là tự phát nên công tác quản lý thực phẩm từ thiện cũng tương tự như thức ăn đường phố. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, trước đó Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm an toàn các loại thực phẩm được tặng, cấp miễn phí.
Các đơn vị y tế có bếp ăn từ thiện phục vụ thân nhân người bệnh, bệnh nhân cần rà soát, cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm cho những người thực hiện bếp ăn từ thiện. Đặc biệt, ngành y tế cũng đẩy mạnh truyền thông, giám sát các bếp ăn tập thể; tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng; chú trọng tuyên truyền cho người đứng đầu các chùa, đình, ban trị sự, bếp ăn từ thiện biết được những quy định về an toàn thực phẩm và trách nhiệm pháp lý, không để xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc.
Làm từ thiện là tốt nhưng cần phải tuân thủ quy định chung. Người làm từ thiện phải có trách nhiệm với an toàn sức khỏe của người nhận hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm, người làm từ thiện phải chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự.
Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 của Quốc hội quy định: “Sự cố về an toàn thực phẩm là tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người”. Còn “Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc”. Qua kết quả điều tra ban đầu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhận định vụ việc tại chùa Ông Bổn là một sự cố về an toàn thực phẩm.
Khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Tính đến 16 giờ ngày 3-4, vẫn còn 19 trường hợp phải nằm theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An trong sự cố an toàn thực phẩm tại Lễ hội chùa Ông Bổn. Có khoảng 50 người dân sau khi ăn bánh mì, bánh bao được phát từ thiện tại lễ hội đã có hiện tượng nghi ngộ độc thực phẩm với triệu chứng ban đầu rối loạn tiêu hóa (ói, đau bụng, tiêu lỏng…). Các triệu chứng này đều xuất hiện khoảng 1 - 2 giờ sau khi ăn bánh mì, bánh bao... được cấp phát từ thiện. Anh Nguyễn Quang Thái, Trưởng đoàn Hẩu An Thạnh Đường, cho biết: “Đoàn của tôi có 16 người nhập viện. Khoảng 4 - 5 giờ sáng ngày 3-4, tại Lễ hội cộ Ông Bổn, đoàn múa lân được người dân phát từ thiện bánh mì, bánh bao để ăn sáng. Sau khi ăn xong thì nhiều thành viên trong đoàn múa lân có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt phải đưa vào Trung tâm Y tế TP.Thuận An”.
Ghi nhận thông tin từ bệnh nhân, trên đường đi rước kiệu từ chùa Ông Bổn đến khu quy hoạch Trung tâm Hành chính TP.Thuận An, các đoàn lân sư rồng được nhận bánh mì, bánh bao miễn phí từ nhiều điểm khác nhau do người dân cung cấp. Các thành viên trong đoàn rước kiệu đã ăn bánh mì, bánh bao trên đường đi tại các thời điểm khác nhau. Hiện tại, Trung tâm Y tế TP.Thuận An chưa xác định được số người đã ăn bánh mì, bánh bao tại lễ hội. Nguyên nhân là do người dân ăn bánh mì, bánh bao từ nhiều nguồn phát từ thiện nên chưa xác định được nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ. Trung tâm đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành xử lý, điều tra vụ việc, xét nghiệm mẫu thức ăn theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đoàn điều tra đã lấy 3 mẫu thực phẩm nghi ngờ gồm 2 mẫu bánh mì, 1 mẫu bánh bao gửi chi cục kiểm nghiệm.
Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 của Quốc hội quy định: “Sự cố về an toàn thực phẩm là tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người”. Còn “Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc”. Qua kết quả điều tra ban đầu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhận định vụ việc tại chùa Ông Bổn là một sự cố về an toàn thực phẩm.
Thống kê trong năm qua, toàn tỉnh đã kiểm nghiệm giám sát 5.201 mẫu thực phẩm, phát hiện 131 mẫu không đạt (chiếm tỷ lệ 2,5%). Nổi bật trong năm qua, tỉnh thành lập 987 lượt đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có 892 đoàn liên ngành, đã kiểm tra 10.565 cơ sở, phát hiện 1.414 cơ sở vi phạm (giảm nhẹ so với cùng kỳ); phạt tiền vi phạm hành chính 61 cơ sở, nhắc nhở 1.353 cơ sở.