Cần có quy định rõ về tổ chức Công đoàn các cấp phù hợp tình hình hội nhập
Luật Công đoàn 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình mới hội nhập hiện nay, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần sửa đổi.
Qua thời gian thực hiện, Luật Công đoàn 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả và đi vào thực tiễn cuộc sống một cách tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn. Trong đó, quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn được quy định tại Điều 5 Luật Công đoàn 2012: “Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” và tại Điều 6 Luật Công đoàn 2012: “Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Các quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cơ bản rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.
Luật Công đoàn 2012 xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc hợp tác, tạo điều kiện để người lao động tự nguyện thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Đa số doanh nghiệp, người sử dụng lao động có ý thức phối hợp và tạo điều kiện để Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, Luật Công đoàn 2012 cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc cản trở thành lập và hoạt động công đoàn; phân biệt đối xử với người lao động, cán bộ công đoàn, can thiệp vào tổ chức và hoạt động công đoàn.
Trên cơ sở quy định của Luật Công đoàn 2012 về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, các cấp Công đoàn đã phát triển đoàn viên với nhiều giải pháp đa dạng và đạt kết quả quan trọng. Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có trên 1.200 Công đoàn cơ sở, với 84.000 đoàn viên công đoàn.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được, việc thực hiện các quy định về thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn trong thời gian qua vẫn tồn tại những hạn chế. Đó là một bộ phận người sử dụng lao động chưa tạo điều kiện người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn, quy mô sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân có số lao động ít nên việc thành lập và duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không hợp tác, cản trở việc tuyên truyền, vận động thành lập Công đoàn cơ sở, gây khó dễ cho cán bộ công đoàn trong quá trình tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về Công đoàn để phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Hiện nay, số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn là 237/4.513 doanh nghiệp, chiếm 5,3%.
Nhiều doanh nghiệp “lách” luật bằng cách thao túng người lao động, chỉ thành lập Công đoàn cơ sở với số lượng đoàn viên vừa đủ điều kiện thành lập theo quy định (trong khi doanh nghiệp có rất đông công nhân lao động) vì mục đích sử dụng con dấu công đoàn, trong các trường hợp như: triển khai phương án sử dụng lao động; thông báo kết quả thương lượng tập thể, sử dụng trong ban hành các văn bản của đơn vị mà bắt buộc phải có ý kiến của Công đoàn cơ sở... Sau khi thành lập, Công đoàn cơ sở không hoạt động, không tham gia các hoạt động của Công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn hoặc đóng kinh phí công đoàn không đúng theo quy định.
Luật Công đoàn 2012 quy định, chỉ những người lao động là người Việt Nam “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn là hạn chế quyền này đối với người làm việc không có quan hệ lao động, người làm việc trong khu vực phi chính thức. Đây là vấn đề bất cập lớn trong định hướng phát triển công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII), Nghiệp đoàn cơ sở cùng với Công đoàn cơ sở đều là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam. Nghiệp đoàn trong khu vực phi chính thức là một hình thức tổ chức đại diện của người lao động trong khu vực phi chính thức. Cũng như các hình thức tổ chức đại diện khác của người lao động, Nghiệp đoàn là tổ chức của người lao động tự nguyện thành lập, thiết lập hệ thống các quy chế, quy định về hình thức tổ chức, cách thức vận hành, hoạt động cụ thể nhằm tập hợp, liên kết người lao động lại để đại diện bảo vệ cho các thành viên của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang phi chính thức, do vậy rất cần sự quan tâm của tổ chức Công đoàn tới người lao động khu vực phi chính thức. Khi được Công đoàn quan tâm, chăm lo, khi đó người lao động mới tham gia tổ chức Công đoàn.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chủ yếu như: Một số quy định của Luật Công đoàn chưa đảm bảo tính tương thích với các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019. Tình trạng cán bộ phải kiêm nhiều vị trí việc làm, áp lực công việc lớn, tham gia Ban Chấp hành mang tính cơ cấu, không có thời gian để nghiên cứu và tham gia hoạt động công đoàn. Việc phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức thu kinh phí công đoàn còn hạn chế, một số chủ doanh nghiệp không thực hiện đóng kinh phí công đoàn mặc dù đã được kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở; cá biệt vẫn còn doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn không thực hiện đóng kinh phí công đoàn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai hoạt động của các cấp Công đoàn.
Theo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến 11 dự án luật, trong đó có Luật Công đoàn (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Qua đó, các cử tri, đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp. Cụ thể, đề xuất, sửa đổi quy định rõ về tổ chức bộ máy công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn để các cơ quan chức năng có căn cứ ban hành quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ công đoàn các cấp cho phù hợp với tình hình hội nhập, thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và quan hệ lao động thay đổi trong thời gian tới.
Cử tri thống nhất phương án quy định người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. Người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đồng thời nên quy định tài chính công đoàn lâu dài; hướng dẫn cụ thể thu, chi tài chính công đoàn các cấp; quy định bổ sung về cơ chế, chính sách chăm lo, bảo vệ cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp để họ an tâm và nhiệt tình hoạt động công đoàn; quy định cụ thể những trường hợp nào tổ chức Công đoàn bảo vệ người lao động chưa tham gia tổ chức Công đoàn. Tổng Liên đoàn tham gia với Chính phủ có chế tài đủ mạnh để các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm Luật Công đoàn.