Cần có quy hoạch tổng thể về thị trường
Giá gà bấp bênh trong vài tháng qua khiến người chăn nuôi gà rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có những giải pháp tổng thể cho ngành chăn nuôi gà.
Giá gà bấp bênh
Giá gà lông trắng bắt đầu giảm mạnh từ dịp 30-4, thậm chí có thời điểm đầu tháng 9, giá còn chạm đáy xuống mức 12.000-13.000 đồng/kg do cung vượt cầu. Đến nay, giá gà lông trắng đã tăng mạnh, lên khoảng 40.000 đồng/kg. Với mức giá trên, người chăn nuôi gà có lãi nhưng lại rơi vào tình trạng không có nguồn để bán.
Đề cập tới nguyên nhân khiến gà rớt giá, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc cho rằng, khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, để bình ổn thị trường, ngành nông nghiệp đã có chủ trương khuyến khích người chăn nuôi chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc. Đây là nguyên nhân khiến tổng đàn gia cầm gia tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2019. Theo đó, nhiều trang trại đã bỏ chăn nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi gà, làm tổng đàn gà tăng trưởng quá “nóng”, nhất là tại một số địa phương khu vực phía Nam. Cùng với đó, do lượng gà nhập khẩu vào thị trường nội địa thời gian qua tăng đột biến, nhất là loại thịt gà giá rẻ, khiến người chăn nuôi gà trong nước gặp khó khăn kép. “Giá cả thịt gà rất bấp bênh, nếu ngành chức năng không can thiệp kịp thời thì người chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều rủi ro”, ông Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt (mã số HS 020712 và mã số HS 020714), chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861USD/tấn, tương đương 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...).
Xung quanh câu chuyện giá gà quá rẻ có nguyên nhân từ việc nhập khẩu thịt gà tăng mạnh, theo phân tích của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, việc nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ. Bởi nhiều thời điểm (nhất là trong giai đoạn tháng 8, đầu tháng 9), giá thịt gà nhập khẩu luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ. Theo đơn vị này, việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà là nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 và 9-2019. Bởi trong giai đoạn này, có tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà.
Ở chiều ngược lại, lý giải nguyên nhân khiến giá thịt gà những ngày gần đây tăng cao, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, đó là do hồi tháng 9, giá gà giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi đua nhau bán để cắt lỗ nên nguồn cung giảm mạnh tới 30-40% đã đẩy giá gà tăng trở lại. Cùng với đó, do dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nguồn cung lợn giảm khiến giá lợn tăng vọt, người dùng chuyển sang tiêu thụ thịt gà.
Người dân cần thông tin dự báo về thị trường
Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình giá tại thị trường trong nước đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt thịt các loại nhập khẩu, kịp thời có giải pháp phù hợp khi có những diễn biến bất thường về giá hoặc lượng tiêu thụ; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông nhằm phòng, chống hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại phát sinh.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi gia cầm, việc phát triển tổng đàn quá “nóng” khiến giá gà xuống thấp, dẫn đến người nuôi bị thua lỗ nặng, nhưng lỗi này không hoàn toàn thuộc về nông dân, vấn đề ở đây chính là sự thiếu định hướng cụ thể ban đầu của ngành nông nghiệp, thiếu thông tin dự báo về thị trường khiến mạnh ai người nấy nuôi, và hệ lụy là điều đã trông thấy. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, vấn đề cấp bách hiện nay là hằng năm cần có quy hoạch tổng thể về thị trường để từ đó có quy hoạch tổng thể về chăn nuôi gia cầm, trong đó có thịt gà, để từ đó có thể nắm chắc được sản lượng cần sản xuất và nhập khẩu là bao nhiêu và ai là người tiêu thụ. Đây là khâu quan trọng, quyết định việc chăn nuôi tốt hay không? “Nếu có dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, đưa ra quy hoạch đúng đắn, chắc chắn tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản sẽ giảm đáng kể”, ông Nguyễn Văn Ngọc nêu rõ.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, cần có kế hoạch bài bản khuyến khích doanh nghiệp phát triển khâu tồn trữ, chế biến và mở rộng thị trường. Nếu ngành chăn nuôi chỉ sản xuất và bán thô (cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu) như hiện nay thì sẽ còn mãi loay hoay với tình trạng “được mùa mất giá”. “Nếu không tăng tốc mạnh mẽ tỷ lệ hàng đã qua chế biến, phục vụ xuất khẩu thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp và nhà nông”, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh nêu quan điểm.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-co-quy-hoach-tong-the-ve-thi-truong-604828