Cần có sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp
Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến, xã Xuân Quang, (Bảo Thắng) thành lập năm 2017, với 13 thành viên, quy mô chăn nuôi 80 nghìn con gà/lứa, cung cấp ra thị trường 400 - 500 tấn gà thịt/năm, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. Thu nhập của hộ xã viên thấp nhất 200 triệu đồng/năm, hộ cao nhất hơn 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động, tiền công hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Tiến cho biết: Mục tiêu của hợp tác xã phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết với nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để đủ điều kiện liên kết chế biến sau thu hoạch thì cần đạt số lượng sản phẩm gấp từ 2 đến 3 lần hiện nay. Nhưng việc mở rộng quy mô chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn, bởi trình độ sản xuất của xã viên còn hạn chế, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi gà chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tiếp cận được các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh do thủ tục phức tạp.
Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Du lịch Song Nhi Sa Pa (phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa), kinh doanh trong lĩnh vực nuôi cá nước lạnh, dịch vụ ăn uống. Công ty thành lập trên cơ sở nhu cầu liên kết, hợp tác phát triển sản xuất của 30 hộ trên địa bàn thị xã Sa Pa và một số huyện, tỉnh bạn. Theo mối liên kết này, người chăn nuôi chịu trách nhiệm về mặt bằng trang trại, chăm sóc cá, đảm bảo sản phẩm khi xuất trại đạt chất lượng cao nhất. Công ty cung cấp con giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đưa đội ngũ kỹ thuật đến từng xã kiểm tra, đưa ra phương án và phác đồ điều trị khi cá bị bệnh, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho hộ thành viên.
Ông Trần Chung Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Du lịch Song Nhi Sa Pa cho biết: Đồng hành mở rộng sản xuất của công ty, Hội Nông dân thị xã Sa Pa hướng dẫn các thành viên làm thủ tục để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, để đầu tư nuôi cá nước lạnh, cần số vốn lớn hơn cây trồng, vật nuôi khác từ 3 đến 5 lần, trong khi suất cho vay ưu đãi hiện nay thấp nên chưa đáp ứng nhu cầu. Vậy nên tiềm năng nuôi cá nước lạnh còn rất lớn nhưng vẫn phải bỏ ngỏ do người dân, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư.
Năm 2021, lượng cá tầm, cá hồi nhập từ Trung Quốc về Việt Nam khoảng 60 nghìn tấn, trong khi Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 7 nghìn tấn (khu vực Lào Cai, Lai Châu đạt 3 nghìn tấn).
Hiện toàn tỉnh có 123 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 24 sản phẩm đạt chứng nhận đạt 4 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế) và 99 sản phẩm chứng nhận đạt 3 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao). Các sản phẩm thuộc đủ 6 nhóm ngành: Thực phẩm 93 sản phẩm, đồ uống 11 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ trang trí 3 sản phẩm, vải may mặc 2 sản phẩm, dược liệu 13 sản phẩm, dịch vụ du lịch và bán hàng 1 sản phẩm. Các nhóm sản phẩm OCOP của địa phương được du khách ưa chuộng tiêu biểu như sản phẩm 4 sao từ dịch vụ du lịch “Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn”; tranh, túi, vỏ gối thổ cẩm, các sản phẩm từ atiso (Sa Pa); miến đao, gạo séng cù, gạo lứt séng cù (Bát Xát), trà Việt Ô Long, Việt Hồng trà (Mường Khương), rượu Bản Phố, chè Shan hữu cơ (Bắc Hà)…
Bên cạnh đó, các loại cây trồng chủ lực như quế, chuối, dứa, dược liệu, chè với quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo hướng tập trung đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ đã mang lại nguồn thu ngày càng cao cho nông dân. Song song với việc gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi, tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung để thúc đẩy tăng trưởng sản lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.500 ha nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi 14.000 ha từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ; đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ha.
Theo đó, phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh đến năm 2030 sẽ lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt để tổ chức sản xuất tập trung, có sản phẩm chủ lực đủ lớn để phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu. Hướng tới phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, gắn với xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc hữu tại địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức kinh tế, hợp tác xã với các hộ nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Giải pháp đặt ra cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thu hút các dự án phát triển sản xuất, xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Chú trọng kỹ năng xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362624-can-co-san-pham-chu-luc-trong-nong-nghiep