CẦN CÓ SỰ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ LƯỠNG KHI ÁP DỤNG MẶT HÀNG PHÂN BÓN CHỊU THUẾ SUẤT 5%

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ĐBQH đề xuất cần có sự cân nhắc và đánh giá tác động kỹ lưỡng khi áp dụng mặt hàng phân bón phải chịu thuế suất 5% tới doanh nghiệp và người nông dân cũng như hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, đa số các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục các bất cập, hạn chế của Luật hiện hành. Qua thảo luận cho thấy, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH là về mức thuế suất đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó đặc biệt là mặt hàng phân bón. Điều này được đề cập tại khoản 2, Điều 9 quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có phân bón.

Đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón ở nhiều góc độ

Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở hai góc độ: Góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp và góc độ tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Ngoài ra, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, trong dự thảo Luật cần phân loại “mặt hàng phân bón” thành hai nhóm hàng hóa: "phân bón hóa học" và "phân bón hữu cơ", trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm. Qua đó góp phần định hướng và chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng phân bón hữu cơ; chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Cho rằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là rất cần thiết nhưng đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ về việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Lý giải về đề nghị trên, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, phân bón là hàng hóa đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ba loại phân bón (phân đạm, phân DAP, phân NPK) là một trong chín loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Giá thành phân bón liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người chịu thuế giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, nếu chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%, người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn của quy định này.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Danh Tú bày tỏ băn khoăn: Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ thuế đầu vào, không phải tính vào giá thành sản phẩm phân bón, nhưng ngược lại phân bón lại phải chịu thuế 5% thì sẽ tác động như thế nào đến giá thành phân bón trên thị trường trong nước. Với quyết định này giá phân bón sẽ tăng hay giảm bao nhiêu?

Do đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đánh giá tác động kỹ hơn với quyết định chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%; tiếp tục cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều mặt, cả tác động từ phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng như tác động từ phía người nông dân trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp; việc tác động đến giá thành phân bón trên thị trường trong nước đối với đề xuất chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%.

Trong trường hợp phân bón là sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng 5% tương ứng với phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của nguyên liệu sản xuất không tính vào chi phí sản xuất có thể làm giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, theo đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, điều này lại làm tăng 5% tiền thuế giá trị gia tăng mà người tiêu dùng trực tiếp phải trả trên mỗi sản phẩm phân bón tiêu dùng. Điều này không đảm bảo sẽ không làm tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp đầu ra, do người nông dân vẫn phải tính toán giá thành sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên tổng chi phí đã bỏ ra, không hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Về đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách và đối tượng khác có liên quan, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, nếu sản xuất để xuất khẩu thì đánh giá tác động về kinh tế theo báo cáo hiện nay là phù hợp, vì lúc này thuế giá trị gia tăng được áp dụng đối với đối tượng tiêu dùng là nước ngoài, còn trong trường hợp sản xuất để tiêu thụ trong nước thì việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón làm giảm nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón nhưng lại làm tăng nghĩa vụ thuế trực tiếp của đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng trong nước, người nông dân. Do vậy, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hơn về việc áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón.

Sẽ đánh giá tác động về việc áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón thêm 1 lần nữa

Trước những ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trong cả quá trình soạn thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), từ năm 2008 cho đến năm 2014, chúng ta đã từng đưa việc áp thuế nhưng sau đó lại bỏ việc áp thuế ra đối với mặt hàng phân bón. Đến nay, trong dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lại quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối mặt hàng này và nhận được nhiều quan điểm, đóng góp. Có quan điểm cho rằng, phân bón không phải chịu thuế; có ý kiến nêu là mặt hàng này nên áp thuế 5%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ sẽ đánh giá tác động về vấn đề trên một lần nữa để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm nay.

Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Các ĐBQH cũng tham gia nhiều ý kiến về các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 0% và nhiều đại biểu quan tâm đến mặt hàng phân bón. Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87613