CẦN CÓ SỰ THAM GIA CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐỘC LẬP TRONG GIÁM ĐỊNH TỔN THẤT BẢO HIỂM

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tính toán và đề xuất mức bồi thường cho bên mua dựa trên kết quả báo cáo giám định của các tổ chức giám định độc lập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất, thực tế hiện nay, một trong các nội dung của hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm là thực hiện tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đó. Trên cơ sở báo cáo giám định của các tổ chức giám định độc lập, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tính toán và đề xuất mức bồi thường cho bên mua bảo hiểm.

Đối với khái niệm “tư vấn” trong Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, tư vấn của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là hoạt động độc lập với hoạt động tư vấn về sản phẩm bảo hiểm do các đại lý bảo hiểm đang triển khai. Nội dung hoạt động tư vấn là tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm, đề phòng, hạn chế tổn thất cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ nguyên cụm từ “Tư vấn” tại khoản 8 Điều 4 thay vì sửa thành “tư vấn bảo hiểm”, để bảo đảm bao quát được hết các trường hợp và phân biệt với hoạt động tư vấn sản phẩm bảo hiểm do đại lý bảo hiểm triển khai.

Về việc xác định đối tượng được nhận tiền bảo hiểm hay tiền bồi thường do doanh nghiệp bảo hiểm trả, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, không phải mọi trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đều trả tiền hay bồi thường cho người được bảo hiểm mà phải tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của dự thảo Luật, ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về việc bổ sung khái niệm về “Bảo hiểm vi mô”, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm về bảo hiểm vi mô, theo đó, bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của họ trước những rủi ro có thể xảy ra.

Về trường hợp người thụ hưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo Luật đã quy định “Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, riêng trong hợp đồng bảo hiểm nhóm người được bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng trong trường hợp người được bảo hiểm chết”. Trong bảo hiểm phi nhân thọ người mua bảo hiểm chính là người được bảo hiểm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề xuất không bổ sung “trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm” vì thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm sẽ gắn liền với các sự kiện bảo hiểm, có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng bị loại trừ thì cũng không được trả tiền bảo hiểm. Hơn nữa, nhiều thỏa thuận không liên quan đến sự kiện bảo hiểm vẫn được trả tiền như việc trả tiền định kỳ… Do đó, qui định “theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm” sẽ bảo đảm đúng bản chất và bao quát hơn.

Đối với khái niệm “người thứ ba” trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, thuật ngữ “Người thứ ba” sử dụng tại dự thảo Luật có nội hàm tương tự như quy định về người thứ ba tại Bộ luật Dân sự. Người thứ ba quy định tại dự thảo Luật không phải là một bên trong quan hệ dân sự và được hiểu là người không thể hiện ý chí tham gia thành lập giao dịch. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật, những nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật này thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, không cần thiết giải thích cụm từ này tại dự thảo Luật để áp dụng cách hiểu thống nhất thuật ngữ này theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Về các khái niệm “hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm không có nghĩa đặc thù so với gian lận, trục lợi về dân sự, hình sự nói chung. Tùy mức độ các hành vi này có thể là vi phạm hành chính hoặc các vi phạm dân sự hoặc trở thành tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định, hướng dẫn tại Điều 213 của Bộ luật Hình sự. Do đó, dự thảo Luật không giải thích cụm từ “hành vi gian lận”, “trục lợi bảo hiểm” mà trong văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ có quy định ở mức độ xử phạt hành chính, hành vi gian lận có thể thành tội danh theo quy định của Bộ Luật Hình sự hoặc có thể bị điều chỉnh trong quan hệ dân sự./.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63631