Cần coi văn hóa là một lĩnh vực được đầu tư ưu tiên như một 'mặt trận'

Sáng 27/2, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề '80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển'.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia.

Hội thảo do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh/ thành phố.

Bước ngoặt lịch sử của nền văn hóa cách mạng Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia. Tham gia thảo luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, thực tiễn 80 năm qua cho thấy, Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và tư tưởng của Đảng.

Thời điểm ra đời, bản Đề cương đã chỉ rõ chiến lược, phương pháp cho các hoạt động văn hóa của Đảng, của Nhân dân trong thời kỳ cách mạng. Đây chính là một trong những bước ngoặt lịch sử của nền văn hóa cách mạng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chia sẻ tại phiên thảo luận

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chia sẻ tại phiên thảo luận

Nhìn lại thời điểm ra đời, trong hoàn cảnh đó, dưới chính sách cai trị của thực dân và phong kiến, nền văn hóa của Việt Nam đã bị tàn phá một cách nặng nề, dần mất đi bản sắc của dân tộc, xa rời với quần chúng và lạc hậu. Vì vậy, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã chỉ ra được chiến lược để chấn hưng về văn hóa, trong đó có 3 nguyên tắc quan trọng phát huy hiệu quả đến tận hôm nay đó là "Dân tộc", "Khoa học" và "Đại chúng".

Ngay từ đầu, chúng ta đã thấy vấn đề "xây" và "chống" đã được thể hiện rõ tại bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa. Cụ thể, "xây" là chúng ta đã chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định về văn hóa và con người Việt Nam đó là, xây dựng con người Việt Nam một cách toàn diện, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để làm sao con người và văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, bên cạnh với việc nâng cao ý thức, hành động của toàn xã hội đối với xây dựng một nền văn hóa mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta cũng cần phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, những trào lưu văn hóa không phù hợp.

Đặc biệt, cần phải hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cả về con người và vật chất để góp phần hỗ trợ, phát triển văn hóa nghệ thuật. Cùng với đó là hoàn thiện quan điểm, lý luận để quản lý văn hóa trong thời kỳ mới.

Sự chi phối các giá trị văn hóa không giống giá trị về kinh tế

Xoay quanh câu chuyện khơi thông nguồn lực thể chế, PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, thể chế phát triển văn hóa là vấn đề rất rộng, đa diện, đa chiều và đa cấp độ.

PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đã đưa ra luận điểm hết sức quan trọng đó là "nền tảng kinh tế xã hội của một xã hội và chế độ kinh tế xã hội dựng trên nền tảng đó quyết định toàn bộ sự phát triển của văn hóa", như vậy, nguyên tắc "Dân tộc", "Khoa học", "Đại chúng" cũng phải dựa trên nền tảng này. Việc xây dựng thể chế phát triển văn hóa trong giai đoạn mới cũng phải dựa trên nền tảng đó.

Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, trên thế giới hiện nay, cả về lý luận và thực tiễn đều có sự thống nhất cao đó là: "Thể chế đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia và của từng lĩnh vực, thể chế phù hợp sẽ tạo động lực cho sự phát triển, thể chế không phù hợp sẽ làm kìm hãm sự phát triển, thậm chí còn làm biến dạng sự phát triển". Chính vì vậy, nhận thức đúng và xây dựng được một thể chế phù hợp, hiệu quả là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Mặc dù trong điều kiện hiện nay chúng ta đang đề cập tới việc phải đẩy mạnh phát triển thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa nhưng không phải tất cả các lĩnh vực, các sản phẩm của văn hóa đều trở thành hàng hóa, bị chi phối bởi quy luật, cơ chế thị trường. Nhưng có những lĩnh vực văn hóa không thể phó mặc cho cơ chế thị trường nhưng cũng có những lĩnh vực của văn hóa phải vận dụng một cách phù hợp, hiệu quả cơ chế thị trường để thúc đẩy phát triển.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có nhận thức đầy đủ, đúng, phù hợp về bản chất của sự phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế để có thể xây dựng được thể chế phát triển văn hóa trên bình diện chung cũng như trong từng lĩnh vực.

Điều quan trọng là thể chế phát triển văn hóa phải gắn liền với sự phát triển của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để văn hóa trở thành nhân tố bên trong, nội dung, bản chất và sức mạnh nội sinh của mỗi chủ thể, mỗi lĩnh vực phát triển đất nước nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng 4.0 đang tăng tốc.

Cần coi văn hóa là một lĩnh vực được đầu tư ưu tiên như một mặt trận

Cùng bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, việc khơi thông nguồn lực nhằm chuyển hóa được các nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng dồi dào, phong phú của Việt Nam; khơi thông được sức sáng tạo của con người Việt Nam; khơi thông được nguồn lực từ tiến bộ khoa học công nghệ.

Điều này sẽ giúp chúng ta trả lời được câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích đã đặt ra, đó là: "Tại sao Việt Nam có nguồn tài nguyên sức mạnh mềm văn hóa nhưng đến nay chúng ta chưa lọt vào danh sách 30 quốc gia được đánh giá là cường quốc về sức mạnh mềm?".

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ tại phiên thảo luận

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ tại phiên thảo luận

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: "Sau nhiều năm theo đuổi câu chuyện về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, chúng tôi đã tìm dần được câu trả lời. Tức là làm gì cũng phải có điểm tựa và ở đây chúng tôi đã tìm ra điểm tựa đó là các quan điểm tại Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943".

Soi chiếu 2 nội hàm, đó là nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa và nội hàm nền văn hóa tân dân chủ mà Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đưa ra, bà Phương cho biết, sức mạnh "mềm" văn hóa được xác định là phải làm gia tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục của một nền văn hóa trong quan hệ quốc tế. Điều này liên quan đến vấn đề cả trong nước và cả quốc tế, có mối liên kết tác động đa chiều đến các lĩnh vực như ngoại giao văn hóa, truyền thông, các ngành công nghiệp văn hóa.

"Để làm được điều này cần phải hoàn thiện về mặt luật pháp" - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia nói và cho rằng: "Đây không còn là câu chuyện của riêng Bộ VHTTDL mà đó là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội".

Trở lại thời điểm 80 năm trước, khi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời với mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tân dân chủ có tính "Dân tộc" "Khoa học", "Đại chúng" chúng ta có thể thấy tầm nhìn của bản Đề cương có nhiều điểm tương đồng với nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa trong học thuyết của quốc tế và các vấn đề về văn hóa đã được đặt ra tại Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Chính vì vậy, trên cơ sở điểm tựa Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, bà Phương cho rằng cần phải tạo ra được mô hình 3 nhà đó là "Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà sáng tạo". "Chúng ta sẽ làm được khi chúng ta coi văn hóa là một lĩnh vực được đầu tư ưu tiên như một mặt trận và mặt trận này cần phải được đầu tư như chúng ta đã đầu tư cho các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội" - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh./.

Thế Công - Ảnh: Nam Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-coi-van-hoa-la-mot-linh-vuc-duoc-dau-tu-uu-tien-nhu-mot-mat-tran-20230227161817802.htm