Cần công bằng, hài hòa lợi ích các bên khi ban hành quy định

Chỉ trong 7 ngày từ 30/8 đến 5/9, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng liên tiếp ban hành ba văn bản về chấn chỉnh hoạt động taxi đưa, đón khách tại sân bay Liên Khương, trong đó, nhiều lần quy định về cách tính giá cước taxi, khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi bày tỏ bức xúc.

Taxi đón khách tại sân bay Liên Khương.

Taxi đón khách tại sân bay Liên Khương.

Liên tục ban hành văn bản thay thế

Trong văn bản đầu tiên (số 1138, ngày 30/8/2022), “về chấn chỉnh việc vận chuyển hành khách của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi tại Cảng hàng không Liên Khương”, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi công khai giá cước, thực hiện nghiêm túc giá cước vận chuyển khách bằng taxi theo giá cước đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính, khi vận chuyển khách từ thành phố Đà Lạt đi Cảng hàng không Liên Khương và ngược lại.

Đến ngày 1/9, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng ban hành văn bản số 1139, yêu cầu các xe taxi tuyệt đối không tính tiền cước vận chuyển theo đồng hồ, khi vận chuyển khách từ thành phố Đà Lạt đi Cảng hàng không Liên Khương và ngược lại; phải thực hiện nghiêm túc giá cước vận chuyển khách bằng taxi theo giá cước đã đăng ký với Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính”; công khai giá cước, số điện thoại đường dây nóng của sân bay và các đơn vị taxi trên các phương tiện taxi.

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải taxi, văn bản này bất hợp lý, vi phạm quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, ngày 17/1/2020 của Chính phủ, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô.

Theo nghị định này, đối với xe taxi có hai phương thức tính tiền, gồm sử dụng đồng hồ tính tiền và đồng hồ tính tiền phải được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định, kẹp chì; tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (taxi công nghệ).

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho rằng, theo phản ánh của các doanh nghiệp và lái xe, việc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng ban hành văn bản trên, đã can thiệp sâu vào quá trình kinh doanh vận tải, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bảng giá taxi tại sân bay Liên Khương.

Bảng giá taxi tại sân bay Liên Khương.

Bởi, đa số các hãng taxi tại Cảng hàng không Liên Khương chọn hình thức đăng ký giá cước trọn gói là hợp tác xã (các xe cá nhân tham gia vào hợp tác xã này), và với mức giá cước thấp, chỉ từ 175 nghìn đồng/chuyến (thấp hơn so với giá cước tính bằng đồng hồ), sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải khác (tính giá cước bằng đồng hồ) trong việc cạnh tranh.

Cùng với đó, việc tính toán và định giá thành của ngành vận tải taxi rất phức tạp, các hãng taxi phải căn cứ vào khấu hao tài sản, lương lái xe, giá xăng dầu, phí sửa chữa, bảo dưỡng xe, phí đường bộ, phí kiểm định, phí nhượng quyền tại sân bay… trình lên Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải mới được nạp vào đồng hồ tính tiền.

“Nay, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng yêu cầu các hãng taxi áp công khai đăng ký giá xấp xỉ 60% giá đã được phê duyệt, gây bức xúc cho các hãng và lái xe taxi. Bình quân khoảng cách từ sân bay Liên Khương đến Đà Lạt khoảng 35km, tương ứng giá từ 380 đến 400 nghìn đồng là hợp lý. Chưa tính một số địa bàn của Đà Lạt cách sân bay 50km”, ông Hùng nói.

Nếu áp dụng theo công văn này, các doanh nghiệp sẽ không thể “đua” được với các hợp tác xã, vì doanh nghiệp phải trả lương cho lái xe, bảo hiểm, khấu hao tài sản, trả thuế… Trong khi, các lái xe cho rằng, với quãng đường hơn 35km thì giá cước 175 nghìn đồng/chuyến không đủ tiền xăng.

Nhận thấy một số bất cập, ngày 5/9, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đã ban hành tiếp văn bản số 1140, trong đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi công khai niêm yết giá cước vận tải, theo quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BGTVT, ngày 4/2/2021.

Đối với các đơn vị taxi đã có phương án kê khai giá theo chuyến từ thành phố Đà Lạt đi sân bay Liên Khương và ngược lại, thì phải thực hiện theo đúng hình thức đã đăng ký với cơ quan chức năng, không được tùy tiện chuyển đổi hình thức tính tiền không đúng với hình thức đã đăng ký (như đăng ký theo chuyến nhưng tính tiền theo đồng hồ…).

Đối với các trường hợp không đăng ký phương án giá hình thức theo chuyến, theo giờ, thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 6, Nghị định số 10 của Chính phủ.

Với văn bản mới ban hành (số 1140), các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, tuyến sân bay Liên Khương-thành phố Đà Lạt, sẽ có hai hình thức đăng ký phương án giá với Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng: theo chuyến (giá trọn gói) và theo đồng hồ tính cước.

Việc liên tục ban hành các văn bản trên, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng Nguyễn Văn Gia, do trước đó có những phản ánh về việc taxi lấy giá không đúng theo giá thông báo (đăng ký theo chuyến nhưng tính km), tình trạng chèn ép khách, xe taxi “dù”, lấy giá tùy tiện…

Từ những việc đó nên Sở tổ chức cuộc họp, mời các đơn vị taxi, đại diện sân bay Liên Khương, thống nhất những giải pháp để chấn chỉnh hoạt động vận chuyển taxi, sau đó ban hành văn bản 1138, nhưng do chưa kiểm tra, rà soát kỹ nên có bất cập và sở đã ban hành lại văn bản.

Còn nhiều bất cập?

Với văn bản mới nhất đang áp dụng (số 1140), Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng khẳng định là đúng với quy định, đúng luật.

Ông phân tích, theo yêu cầu các đơn vị taxi kê khai giá thì theo Thông tư của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, có các hình thức kê khai giá, như theo đồng hồ km, theo cự ly, theo chuyến. Các đơn vị có quyền lựa chọn để đăng ký, có thể hai hình thức.

Tại Đà Lạt, các hãng taxi đăng ký giá theo chuyến (tuyến Đà Lạt-sân bay Liên Khương), nhưng khống chế trong 35km, nếu quá thì tính theo km.

“Như vậy rất linh hoạt, bảo đảm quyền lợi khách hàng và vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh. Song, đăng ký hình thức nào thì phải thực hiện đúng”, ông Gia nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hùng, trong văn bản số 1140, các nội dung quy định giá cước vẫn đưa ra hai hình thức “nước đôi”, điều này làm doanh nghiệp khó xử, cạnh tranh.

Việc xây dựng hai phương án sẽ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp, hợp tác xã lách luật, trốn thuế. Doanh nghiệp không quản lý được thực tế lái xe đang chạy theo đồng hồ hay trọn gói để tính thuế dẫn tới nhà nước sẽ thất thu thuế.

“Hệ lụy của việc “nước đôi” này là tiếp diễn việc “chặt chém” khách tại sân bay Liên Khương. Ai biết thì họ trả giá theo trọn gói, ai không biết thì chấp nhận đi xe có giá cước tính theo đồng hồ”, ông Hùng phân tích.

Taxi hoạt động tại sân bay Liên Khương.

Taxi hoạt động tại sân bay Liên Khương.

Bên cạnh đó, nếu vị trí công khai giá cước trọn gói tại sân bay Liên Khương không được đặt ở vị trí mà hành khách dễ dàng trông thấy có thể gây ra tình trạng tài xế vẫn thu tiền xe của hành khách theo đồng hồ tính tiền mà không theo giá đã đăng ký trước đó.

Hiện, sân bay Liên Khương chỉ cấp phép cho các hãng taxi trúng thầu nhượng quyền vào sân bay đưa, đón khách, số lượng tương ứng với vị trí đỗ xe vào hoạt động.

Nếu Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng ban hành văn bản không phù hợp, sẽ tạo điều kiện cho xe dù hoạt động trái phép, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trúng thầu, hoạt động chân chính.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm lợi ích hài hòa từ việc quản lý nhà nước, thu ngân sách, bảo đảm cho người lao động, người tiêu dùng, không bên nào tổn hại, từ đó, phải thống nhất một phương án, một loại hình hoạt động.

“Tôi cho rằng, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng có thể có văn bản thay thế, yêu cầu các cơ sở kinh doanh vận tải tuân thủ Nghị định 10 của Chính phủ, để doanh nghiệp tự chủ trong kinh doanh vận tải, tạo uy tín với du khách. Quản lý nhà nước không nên tham gia quá sâu vào điều hành doanh nghiệp”, ông Hùng nêu ý kiến.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại diện Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải thông tin, việc ban hành văn bản số 1140 của Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đã điều chỉnh đúng với quy định của pháp luật.

“Mục đích của sở là tốt, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công khai, minh bạch về giá cho người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, có những văn bản chưa đúng với quy định, nên Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đã có sự cầu thị, tiếp thu và đã ban hành văn bản mới thay thế”, đại diện Vụ Vận tải nói.

Theo đại diện Vụ Vận tải, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đều có sự bình đẳng như nhau. Do đó, khi doanh nghiệp hay hợp tác xã đã công bố theo giá cước nào thì phải thực hiện đúng. Việc lựa chọn hình thức và đăng ký là do các doanh nghiệp, còn hành khách sẽ tự giám sát, lựa chọn dịch vụ và phản ánh với cơ quan chức năng về giá cước.

“Chúng tôi tiếp tục có những trao đổi với Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng và các sở khác về việc khi ban hành văn bản hướng dẫn phải rà soát kỹ, thực hiện đúng quy định. Với Lâm Đồng, nếu cần tiếp tục có điều chỉnh, chúng tôi sẽ xem xét để phối hợp điều chỉnh”, đại diện Vụ Vận tải thông tin.

TRẦN LAM - VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-cong-bang-hai-hoa-loi-ich-cac-ben-khi-ban-hanh-quy-dinh-post714071.html