Cần công khai, minh bạch tổ chức trải nghiệm để tăng an toàn cho học sinh
Để đảm bảo chuyến đi trải nghiệm của học sinh được kết quả tốt, an toàn, nhiều chuyên gia, phụ huynh cho rằng cần có sự tham gia của phụ huynh và minh bạch trong lựa chọn địa điểm, công ty du lịch liên kết.
Cần cấm học sinh tham gia trò chơi mạo hiểm
Đã một tuần trôi qua, nhưng nhiều phụ huynh vẫn rất bàng hoàng bởi chỉ trong một ngày (14/1), hai vụ tai nạn thương tâm khiến hai học sinh của Hà Nội và TPHCM tử vong trong chuyến đi trải nghiệm do nhà trường tổ chức. Hai vụ tai nạn này cũng như nhiều vụ tai nạn xảy ra trước đó khiến phụ huynh lo lắng với những chuyến đi trải nghiệm của học sinh. Nhất là trong bối cảnh những quy định về tổ chức hoạt động trải nghiệm của ngành Giáo dục vẫn còn chung chung, nhiều nhà trường đang tổ chức một cách lỏng lẻo, thậm chí khoán trắng cho các đơn vị du lịch.
Theo quy định trước đó của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường học khi lựa chọn địa điểm phải phù hợp với học sinh, được thống nhất và đồng thuận của phụ huynh học sinh. Phải lựa chọn những đơn vị (công ty) cung cấp dịch vụ có đủ năng lực, uy tín. Bố trí cán bộ giáo viên, phụ huynh cùng tham gia và quản lý học sinh bảo đảm an toàn khi tổ chức. Sau khi một học sinh tử vong trong chuyến đi trải nghiệm, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các trường không để học sinh tham gia các trò chơi mạo hiểm, tăng cường quản lý học sinh trong thời gian tổ chức các hoạt động để không xảy ra những trường hợp tương tự.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm đối với học sinh trong thời gian qua và tránh tới những nơi tiềm ẩn nguy hiểm, thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, theo chương trình giáo dục tổng thể, mỗi năm nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm 2 lần. Vừa qua, trường tổ chức cho học sinh khối 12 đi trải nghiệm từ Hà Nội đến các di tích lịch sử ở Nghệ An, Quảng Trị. Khi tổ chức chuyến đi, trường xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng để hạn chế tai nạn xảy ra trong chuyến hành trình.
Còn đại diện Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ: "Chuyến đi của học sinh trước tiên phải mang ý nghĩa về giáo dục, có nội dung hay để thu hút học sinh tham gia. Nhà trường tự tổ chức chuyến đi, như thế sẽ đảm bảo an toàn và hiệu quả đối với học sinh. Khi chọn địa điểm, nhà trường phải nghiên cứu kỹ xem địa điểm đó có phù hợp với học sinh hay không, có những cảnh báo để giáo viên, học sinh nắm bắt. Trước và trong chuyến đi, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh tuân thủ quy định của đoàn, không tự ý tách đoàn để đi chơi. Học sinh lứa tuổi tìm tòi, khám phá nên nhà trường đặc biệt lưu tâm, đảm bảo an toàn".
Phụ huynh tham gia lựa chọn địa điểm
Không chỉ các nhà trường đặc biệt lưu ý, rút kinh nghiệm sau những vụ tai nạn vừa xảy ra, với nhiều phụ huynh, để con em mình thực sự an toàn trong mỗi chuyến đi là điều cần thiết và ưu tiên hàng đầu. Trong đó, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm việc lựa chọn địa điểm nơi học sinh đến trải nghiệm, cũng như lựa chọn đơn vị tổ chức chuyến đi rất cần có sự tham gia, thẩm định từ chính các bậc phụ huynh.
Không đồng tình nếu như nhà trường tổ chức trải nghiệm tại nơi tiềm ẩn xảy ra tai nạn như trò chơi mạo hiểm, nơi khu vực sông, hồ, vách núi… Phụ huynh Nguyễn Thanh Tuyền (ở Hà Đông, Hà Nội) có con đang học THCS cho biết: "Thường thì do nể nang mà phụ huynh đăng ký cho con tham gia các chuyến trải nghiệm, nhất là tới những địa điểm có thể xảy ra mất an toàn. Theo đó, mong muốn của phụ huynh là các chuyến đi, các con vừa trải nghiệm nhưng vừa học tập những điều mà trên sách vở, nhà trường không có. Tôi mong con được trải nghiệm trong môi trường an toàn, bởi ngoài đi với nhà trường, hàng năm phần lớn phụ huynh đều có các chuyến đi du lịch gia đình".
Kiến nghị đưa Ban phụ huynh trường, lớp và đông đảo phụ huynh cùng tham gia vào xây dựng chương trình thực tế của học sinh, phụ huynh Hương Mai (ở Định Công, Hà Nội) cho hay: "Phụ huynh nhiều người không cho con đi trải nghiệm không phải vì tiếc tiền mà vì lo cho sức khỏe, sự an toàn của con. Nhiều phụ huynh đã dũng cảm từ chối đăng ký cho con tham gia các chuyến trải nghiệm do nhà trường tổ chức. Vì thế, phụ huynh tham gia vào quá trình lựa chọn địa điểm, công ty du lịch ngay từ đầu cũng sẽ tạo sự đồng thuận và mục đích chắc chắn là vì học sinh. Tôi tin rằng, không có phụ huynh nào lựa chọn địa điểm thiếu an toàn cho con em mình".
Chia sẻ quan điểm về tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm đối với học sinh hiện nay, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước giáo dục phát triển họ vẫn tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại, trải nghiệm… Được tổ chức một cách khoa học, bài bản. "Do đó, vẫn cần có hoạt động này trong các trường học hiện nay bởi có nhiều hoạt động rất thiết thực cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tổ chức một cách nghiêm túc, có sự quản lý sát sao, công khai minh bạch để tránh có sự tác động nào đó đến lựa chọn địa điểm, công ty phối hợp. Nếu cảm thấy điểm đến không thực sự an toàn thì không tổ chức", GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.
Theo Bộ GD&ĐT, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp THCS, THPT là hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12. Hoạt động giúp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp… Trong đó có phương thức khám phá là tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế cuộc sống và công việc. Nhóm phương thức tổ chức này bao gồm các hoạt động tham quan, cắm trại, thực địa và các phương thức tương tự khác.