Căn cứ hải quân mới của Ấn Độ phủ bóng đen lên nguồn cung dầu Trung Quốc
Vào ngày 6/3, Ấn Độ đưa vào hoạt động căn cứ hải quân mới Jetayu ở quần đảo Lankshadweep thuộc Ấn Độ Dương. Trong khi chính quyền Ấn Độ lập luận rằng lý do cơ bản của ý tưởng này nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh ở quần đảo chiến lược, thì các phương tiện truyền thông Hồng Kông lại nói rằng nó có thể ảnh hưởng đến các chuyến hàng dầu đến Trung Quốc qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca.
Ngoài ra, New Delhi còn có kế hoạch xây dựng một sân bay có mục đích kép dành cho máy bay dân sự và máy bay chiến đấu trên đảo Minicoy. Trong khi Thời báo Kinh tế đưa tin rằng Hải quân Ấn Độ đang tìm cách sử dụng “những lợi thế về vị trí địa lý của Ấn Độ để củng cố các vị trí hải quân”, thì điều này trên thực tế có nghĩa là Ấn Độ, quốc gia đang cạnh tranh với Trung Quốc để giành quyền thống trị ở châu Á, giờ đây sẽ có thể tác động đến các chuyến hàng dầu qua eo biển Malacca, tờ South China Morning Post lập luận.
Trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia, Alexey Kupriyanov, Chủ tịch nhóm Nam Á tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primkov của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO RAS), nghi ngờ rằng hành động của Ấn Độ có thể cản trở dòng chảy dầu từ Trung Đông đến Trung Quốc. "Vì sự hiện diện của một căn cứ hải quân sẽ không phải là trở ngại cho việc đi lại của các tàu thương mại dọc eo biển. Ấn Độ đã có sự hiện diện quân sự ở Lankshadweep, hơn nữa, họ còn có sân bay và radar ở đó. Vì vậy, đây là chỉ là khái niệm mới nhất của Ấn Độ về việc phát triển các vùng lãnh thổ", chuyên gia nghiên cứu về Ấn Độ giải thích.
Alexey Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học quốc gia Moscow, nói với Izvestia rằng Trung Quốc là đối thủ lớn của New Delhi và do đó, chiếm vị trí trung tâm trong học thuyết chính trị của Ấn Độ. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi, Nga và một số nước châu Phi cũng là những nhà cung cấp dầu chính cho Trung Quốc. "Ấn Độ không thể chặn những nguồn cung cấp này và tôi không nghĩ họ sẽ làm như vậy. New Delhi sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ của mình với Bắc Kinh bằng cách ngăn chặn hàng hóa của nước này. Ấn Độ muốn chứng tỏ rằng họ là một bên tham gia chính trị-quân sự độc lập và do đó thu hút các đối tác khác là Mỹ và Nga. Vì vậy, đây là cuộc đấu chính trị chứ không phải là đối đầu quân sự”, chuyên gia kết luận.