Cần 'cú hích' thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam
Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đều khẳng định cần có 'cú hích' về thúc đẩy giao thương hàng hóa nông sản trong thời gian tới, như tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thông quan, xuất nhập khẩu...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin, ngày 1/6, tại Vân Nam - Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có buổi trao đổi với Hải quan Côn Minh về một số giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam.
Việc giao lưu xuất nhập khẩu còn chưa tương xứng với tiềm năng
Tại buổi làm việc, ông Cận Diên Dũng - Cục trưởng Hải quan Côn Minh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc), khẳng định Việt Nam là “đối tác thương mại quan trọng”. Hải quan Trung Quốc cùng các cơ quan liên quan đang tích cực tìm cách tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Do đó, ông Cận Diên Dũng đề xuất Thứ trưởng Trần Thanh Nam và các cơ quan liên quan của Việt Nam sớm tăng số lượng doanh nghiệp AEO (mô hình doanh nghiệp ưu tiên); đồng thời, thực hiện cơ chế hợp tác xuất nhập khẩu một cửa, theo mô hình tiên tiến đã được nhiều nước, nhiều tổ chức tài chính trên thế giới công nhận.
Trao đổi với Hải quan Côn Minh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ông nhất trí cao với các đề xuất nêu trên. Đối với tỉnh Vân Nam, Thứ trưởng Nam khẳng định Việt Nam coi đây là đối tác quan trọng, có nhiều lợi thế nông nghiệp ôn đới, trong khi Việt Nam có ưu thế về nông nghiệp nhiệt đới và các sản phẩm từ biển. Vân Nam cùng các tỉnh biên giới Việt Nam có truyền thống quan hệ hợp tác tốt đẹp, doanh nghiệp hai bên cũng làm ăn với nhau nhiều năm. Do đó, các cuộc gặp giữa hai bên là rất cần thiết để tìm giải pháp gia tăng giá trị thương mại.
“Tiềm năng hai bên còn nhiều, còn rất lớn. Tuy nhiên, việc giao lưu xuất nhập khẩu còn chưa đáp ứng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng hóa Việt Nam qua Vân Nam còn rất khiêm tốn so với các cửa khẩu khác. Đây là vấn đề cần giải quyết” - ông Nam nói.
So với tiềm năng sẵn có, Thứ trưởng Nam cho rằng con số hơn 340 triệu USD xuất nhập khẩu nông sản 5 tháng đầu năm giữa hai bên là chưa tương xứng.
Sớm gửi đề án về cửa khẩu thông minh, hải quan thông minh, kết nối thông minh
Không chỉ đề cập tới phần xuất khẩu sang Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng với tiềm năng về rau củ quả ôn đới từ Vân Nam cũng là sản phẩm mà Việt Nam cần nhập, Thứ trưởng Nam gợi ý cần có “cú hích” về thúc đẩy giao thương hàng hóa, thông qua việc thành lập hiệp hội doanh nghiệp với các đơn vị là doanh nghiệp lớn của hai bên.
Cụ thể, tại Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) tổ chức tại thành phố Côn Minh ngày 31/5/2023, có 80 doanh nghiệp Vân Nam tham dự. Đây là chỉ dấu tốt cho quan hệ hợp tác.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã khởi công xây dựng cao tốc nối tỉnh biên giới giáp Vân Nam là Hà Giang đến các địa phương, dự kiến đây sẽ là huyết mạch vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch. Sắp tới, Việt Nam còn khởi công cao tốc từ Hòa Bình lên Điện Biên, có biên giới với Vân Nam.
“Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Vân Nam, tôi nhấn mạnh tới việc doanh nghiệp hai nước cần tham gia xây dựng, vận hành chuỗi kho lạnh kết nối hai bên. Đây là một phần trong nhiệm vụ mà Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính giao cho Bộ NN&PTNT tham gia xây dựng, quản lý chuỗi logicstic kết nối trong cả nước đến các tỉnh biên giới” - ông Trần Thanh Nam nói.
Thứ trưởng Nam đề nghị Hải quan Côn Minh sớm gửi đề án về cửa khẩu thông minh, hải quan thông minh, kết nối thông minh, xuất nhập khẩu một cửa, tới các cơ quan quản lý Việt Nam để nghiên cứu thực hiện. Đây là vấn đề mà Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan cùng tham gia thực hiện.
Từ ngày 1/6, Hải quan Côn Minh và phía Việt Nam bắt đầu thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau. Trước mắt, sản phẩm chỉ giới hạn ở sầu riêng. Sắp tới đơn vị này sẽ áp dụng các biện pháp giảm thời gian thông quan như khai báo sức khỏe, hàng hóa đầu cuối, thanh toán qua QR Code...
Trước nhu cầu xuất nhập khẩu sau đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Nam đề nghị Hải quan Vân Nam mở thêm danh mục về thủy sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao số lượng, sản lượng sang tỉnh Vân Nam. Ngoài ra, Thứ trưởng đề xuất phía Vân Nam sớm có trả lời về việc xuất khẩu thủy hải sản sống sang tỉnh này.
Với đề xuất trên, ông Cận Diên Dũng cho biết “hoàn toàn nhất trí” và sẽ rà soát, tháo gỡ. Hải quan Vân Nam cho biết tại tỉnh đang xây dựng cầu nối giữa Bách Sắc và Hà Khẩu, hai địa phương có cửa khẩu với Việt Nam. Việc này sẽ giảm mạnh ùn tắc cửa khẩu.
“Chúng tôi cũng rất hy vọng Vân Nam và các địa phương của Việt Nam sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng thiết bị hiện đại, phục vụ thông quan, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh” - ông Cận Diên Dũng nói.
Phối hợp rút ngắn thủ tục thông quan hàng hóa nông sản
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đề xuất, trước mắt Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc triển khai Hệ thống ECET để trao đổi các Giấy Chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử, rút ngắn các thủ tục thông quan. Sắp tới, hai bên phối hợp xây dựng các danh mục hàng hóa ưu tiên kiểm dịch thực vật; tổ chức các hội nghị trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng quy trình kiểm dịch thực vật theo định hướng “Hải quan 1 cửa khẩu” hay “1 cửa khẩu 1 điểm dừng”. Cục cũng sẽ cử đầu mối trao đổi thông tin, truy xuất nguồn gốc để xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của 2 nước.
Thêm một đề xuất nữa được ông Huỳnh Tấn Đạt đưa ra là hàng năm tổ chức hội nghị rà soát các hoạt động, chương trình hỗ trợ thông quan, kiểm dịch thực vật để xây dựng kế hoạch cụ thể cho các năm tiếp theo.
Trao đổi với các đồng nghiệp Côn Minh, bà Phạm Lan Trang - đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, hai bên có thể phối hợp, trao đổi thông tin để chống buôn lậu, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn. Bên cạnh những giải pháp hiện nay, đại diện Hải quan Việt Nam cho rằng hai bên có thể thống nhất thêm giờ làm việc, giờ nghỉ để thông quan hàng hóa nông sản được nhanh hơn. Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu, thực hiện cơ chế “2 hải quan 1 điểm dừng” bằng cách đồng bộ về chính sách và cơ sở hạ tầng.
Đại diện Bộ Công thương, ông Vũ Như Thái đề xuất phía Vân Nam phối hợp với các địa phương Việt Nam tăng cường nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại ở các khu vực cửa khẩu. Bên cạnh đó là khôi phục thông quan ở các cửa khẩu, lối mở ở biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản và thủy sản... Đại diện Bộ Công thương cũng gợi ý về việc tổ chức nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương giữa 2 bên, khuyến khích các doanh nghiệp 2 nước phối hợp với nhau, đa dạng hóa các cửa khẩu thông thương, tránh tình trạng hàng hóa bị tập trung tại một điểm.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau cuộc làm việc với Cục Hải quan Côn Minh, khi về nước sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng khác của Việt Nam như Tổng cục Hải quan, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản gửi đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc trên cơ sở các nội dung làm việc hôm nay, đặc biệt là cơ chế trao đổi thông tin và làm việc định kỳ để sơ kết công tác giữa 2 bên. Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường nông sản là các đầu mối, chủ động phối hợp với các cơ quan hải quan Trung Quốc có các giải pháp tạo điều kiện thông quan hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật và thủy sản.