Cần cụ thể hóa để bảo đảm tính khả thi và trách nhiệm cộng đồng

Tại dự thảo lần 2 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn-cứu hộ, Bộ Công an đề xuất phạt 3-5 triệu đồng với người không tham gia chữa cháy, cứu nạn-cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép; hành vi mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào nơi có quy định cấm liên quan phòng cháy. Thông tin này khiến nhiều người dân băn khoăn; rất cần cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi, người dân dễ hiểu và chấp hành.

Trước đề xuất xử phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào nơi có quy định cấm liên quan phòng cháy, nhiều người băn khoăn: Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của phần lớn người dân, trong đó có việc sử dụng điện thoại để trả tiền mua xăng, dầu.

Vì thế, nếu đề xuất trên được thông qua, người dân sẽ lại phải lo chuẩn bị tiền mặt mỗi lần đổ xăng, đi ngược lại với đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, điện thoại là vật bất ly thân, nhưng trạm kinh doanh xăng, dầu là nơi có biển cấm lửa, vậy khi đổ xăng, người dân biết bỏ điện thoại ở đâu?...

 Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Việc đưa ra quy định cấm sử dụng điện thoại tại trạm kinh doanh xăng, dầu xuất phát từ mục tiêu bảo đảm an toàn PCCC trong môi trường nhạy cảm như trạm xăng là cần thiết, bởi hơi xăng rất dễ bắt lửa. Mặc dù hiện nay chưa có bằng chứng khoa học chắc chắn rằng sóng điện thoại gây cháy, nổ nhưng các nguy cơ gián tiếp như tia lửa từ thiết bị điện tử hoặc sự mất tập trung của người sử dụng điện thoại trong khu vực nguy hiểm vẫn là yếu tố đáng lo ngại. Vì vậy, quy định này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, nhưng cần được cụ thể hóa để tránh gây hiểu lầm hoặc bất tiện cho người dân.

Trước tiên, cần quy định rõ phạm vi và cách áp dụng. Việc cấm sử dụng điện thoại nên được giới hạn tại khu vực xung quanh máy bơm xăng hoặc nơi có nguy cơ cháy, nổ cao thay vì áp dụng trên toàn bộ trạm xăng. Đồng thời cần phân biệt các hành vi sử dụng điện thoại. Ví dụ, nghe, gọi hay lướt mạng nên bị hạn chế, trong khi các hình thức thanh toán điện tử qua mã QR từ xa hoặc tại khu vực an toàn nên được hỗ trợ. Các trạm xăng có thể bố trí điểm thanh toán bằng điện thoại ở nơi cách xa máy bơm xăng để người dân thuận tiện sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (internet banking) mà vẫn bảo đảm an toàn. Đặc biệt, cần tăng cường biển báo rõ ràng, dễ hiểu, kết hợp tuyên truyền để người dân nhận thức rõ mục đích của quy định.

Đối với quy định không tham gia chữa cháy sẽ bị phạt, đây là một chính sách đúng đắn nhằm khuyến khích trách nhiệm cộng đồng, nhất là trong bối cảnh cháy, nổ ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, quy định này cũng cần được cụ thể hóa để bảo đảm tính khả thi và tránh gây bức xúc. Trước hết, cần làm rõ ai là đối tượng bắt buộc tham gia chữa cháy. Các đối tượng này có thể bao gồm nhân viên tại trạm xăng hoặc những người trong khu vực sự cố, đặc biệt là những người có kiến thức hoặc thiết bị chữa cháy.

Đối với người dân không có chuyên môn hoặc không đủ điều kiện an toàn để tham gia, việc hỗ trợ có thể được thực hiện dưới hình thức khác, như gọi điện thông báo cho lực lượng chức năng hoặc hướng dẫn sơ tán. Quy định cũng cần cân nhắc đến yếu tố nguy hiểm đối với cá nhân. Những trường hợp người dân không đủ phương tiện hoặc cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng khi tham gia chữa cháy không nên bị xử phạt. Thay vào đó, cần khuyến khích tinh thần tự nguyện và hỗ trợ phù hợp. Để tăng hiệu quả thực thi, cần đẩy mạnh các chương trình truyền thông, hướng dẫn người dân kỹ năng cơ bản về PCCC, giúp họ tự tin và sẵn sàng tham gia khi cần thiết.

Nhìn chung, cả hai quy định này đều cần sự rõ ràng, chi tiết và có cơ chế truyền thông phù hợp để không chỉ bảo đảm an toàn mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, tránh những hiểu lầm không đáng có, đồng thời xây dựng tinh thần cộng đồng vững mạnh trong công tác phòng, chống cháy, nổ.

Luật sư LÊ VĂN LÊN (Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-cu-the-hoa-de-bao-dam-tinh-kha-thi-va-trach-nhiem-cong-dong-812457