Cần củng cố, bổ sung lực lượng bảo vệ, hỗ trợ tư pháp tại trụ sở tòa án

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, từ vụ đâm chết vợ ngay tại tòa án ở Bắc Giang, cơ quan chức năng cần củng cố lại lực lượng bảo vệ, hỗ trợ tư pháp tại trụ sở tòa án.

Những năm gần đây không ít trường hợp đương sự gây rối, phá phách, thậm chí tấn công lại lực lượng chức năng ngay tại trụ sở tòa án, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của các đương sự và cán bộ tòa án.

Đã có vụ việc thẩm phán bị tạt axít (Tòa án quận Đống Đa, Hà Nội), bị đe dọa, bị tấn công ngay tại trụ sở tòa án, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ tòa án và các đương sự có mặt tại phiên tòa.

Thậm chí, trong quá trình tòa án giải quyết vụ án, có những đương sự vẫn nghi ngờ tính khách quan của thẩm phán trong quá trình giải quyết nên thù tức, tìm cách trả thù và gây mất an ninh trật tự.

Việc đương sự gây rối tại phiên tòa, thậm chí tấn công lại lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ là chuyện không hiếm.

Đối tượng tại cơ quan công an.

Bài liên quan

Khởi tố đối tượng đâm vợ tử vong tại trụ sở Tòa án

Án mạng xảy ra tại trụ sở tòa án: Hoạt động tố tụng chưa đảm bảo an toàn?

Mới đây nhất, vụ việc đương sự dùng dao sát hại vợ ngay tại trụ sở tòa án, gây thương tích cho đương sự khác và gây thương tích cho thẩm phán xảy ra tại một huyện của tỉnh Bắc Giang là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.

Phân tích về một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay theo biên chế của tòa án cấp huyện thì chỉ có hai bảo vệ thay nhau canh trực ngoài cổng, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thì chỉ tham gia các phiên tòa hình sự, rất ít khi tham gia các phiên tòa hành chính, dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, nên khi có sự cố xảy ra thì thiếu lực lượng có sức mạnh để ngăn cản, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, pháp luật có quy định thẩm quyền cho người tiến hành tố tụng có quyền xử phạt, thậm chí khởi tố các hành vi gây rối an ninh trật tự tại phiên tòa, gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên với tâm lý nể nang, và các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác mà việc xử lý mạnh tay với các hành vi vi phạm tại trụ sở tòa án vẫn chưa được vận dụng nhiều trên thực tế. Nhiều thẩm phán cho rằng đương sự họ bức xúc nên thông cảm và bỏ qua, khiến nhiều người tỏ ra khinh nhờn pháp luật, vì thế mà tiếp tục vi phạm.

Cũng theo quy định của pháp luật thì người từ 16 tuổi trở lên có quyền tham dự phiên tòa. Ngoài ra các đương sự cũng có quyền tự do ra vào trụ sở tòa án để thực hiện các hoạt động tố tụng như nộp đơn thư, xin sao chụp tài liệu. Nhu cầu người dân đến trụ sở tòa án làm việc là rất nhiều và thường xuyên. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rất khó có thể kiểm soát được việc đương sự có mang theo hung khí, vũ khí hay không.

Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép tòa án trang bị thiết bị kiểm tra an ninh tại cổng ra vào. Chỉ có những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng mà tòa án cấp tỉnh giải quyết thì mới được trang bị thiết bị kiểm tra an ninh đối với những người tham dự phiên tòa.

Ngoài ra, khi đã đến tòa án thì chứng tỏ những tranh chấp, mẫu thuẫn dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại không thể tự giải quyết được với nhau, các đương sự đến tòa với tâm lý không thoải mái, tâm trạng bức xúc, xung đột về quyền và lợi ích nên rất dễ có thể dẫn đến xung đột, ẩu đả.

Bởi vậy, khi giải quyết tranh chấp sẽ đòi hỏi tòa án phải uy nghiêm, thẩm phán phải có trình độ, có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, kỹ năng điều hành duy trì trật tự phiên tòa.

"Thực tế ở tòa án cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh hiện nay trang bị con người, phương tiện vật chất kĩ thuật còn rất hạn chế. Trình độ, năng lực, kỹ năng của nhiều cán bộ tòa án chưa tốt dẫn đến chưa kịp thời phát hiện tình huống, không kịp thời xử lý khi có sự việc xảy ra...", Luật sư nói.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, vụ án này là một bài học sâu sắc để cơ quan chức năng củng cố lại lực lượng bảo vệ, hỗ trợ tư pháp tại trụ sở tòa án. Đồng thời, cần phải thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Theo Luật sư Cường, cần tăng cường lực lượng, số lượng bảo vệ tại tòa án, không chỉ bảo vệ vòng ngoài mà còn bảo vệ phía trong, khu tố tụng và khu vực xét xử.

Lực lượng bảo vệ cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngay từ vòng ngoài để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp đến trụ sở tòa án gây rối hoặc mang theo hung khí, vũ khí, chất nổ, chất cháy.

Ngoài ra, về lâu dài cần trang bị cho tòa án các máy soi, máy chiếu, thiết bị kiểm tra an ninh để phát hiện ra các trường hợp mang theo hung khí, vũ khí vào trụ sở tòa án. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức pháp chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là ý thức khi làm việc với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có tòa án.

Bổ sung lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp không chỉ tham gia phiên tòa hình sự mà còn duy trì an ninh trật tự ở các phiên tòa khác như phiên tòa hành chính, lao động, dân sự, kinh doanh thương mại và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực làm việc, khu vực tố tụng của tòa án trong giờ hành chính.

Cần phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chất lượng giải quyết vụ việc phải chất lượng xét xử của tòa án, phấn đấu ngày càng nhiều các bản án thấu tình đạt lý. Các thẩm phán, thư ký tiếp xúc với đương sự cần phải có kĩ năng tốt, có khả năng giải thích pháp luật, hạn chế các hành vi có tính chất khiêu khích, kích động, gây bức xúc cho đương sự...

"Khi chất lượng xét xử được nâng lên thì sự bức xúc của các đương sự sẽ giảm đi. Khi kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ tòa án tốt lên thì sẽ dễ dàng phát hiện và xử lý các tình huống có vấn đề, giảm bớt các bức xúc, bất bình của các đương sự...

Khi nào hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện; trình độ nhận thức, văn hóa của người dân được nâng cao; kỹ năng của người tiến hành tố tụng tốt hơn; tòa án được trang bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp hùng hậu, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, xử lý tình huống kịp thời thì khi đó mới đảm bảo an ninh an toàn, mới thực sự là biểu tượng của công lý". Luật sư Cường nói.

Đâm vợ tử vong tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn

Ngày 2/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Dư Văn Thanh (SN 1983), trú tại thôn Chính, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) – đối tượng đâm vợ tử vong tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn về tội “giết người”.

Trước đó, trưa ngày 30/10, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xảy ra vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, trong đó đối tượng là Dư Văn Thanh đã dùng dao nhọn để sẵn trong người đâm nhiều nhát vào người vợ là chị Lưu Thị Hiền (SN 1989) khiến chị tử vong và bố vợ là ông Lưu Văn Lừu (SN 1961) bị thương nặng. Sau khi gây án, Thanh đã đến Cơ quan Công an để đầu thú và giao nộp hung khí gây án.

Quá trình điều tra vụ việc, cơ quan Công an xác định: Trong quá trình chung sống 2 vợ chồng Thanh nảy sinh nhiều mâu thuẫn và ly thân từ năm 2019. Cũng trong năm đó, Thanh vay của bố vợ là ông Lừu một khoản tiền, mặc dù ông Lừu đã đòi nhiều lần nhưng Thanh chưa trả nên ông đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn để giải quyết.

Đến ngày 30/10, khi 3 người cùng đến Tòa để giải quyết việc tranh chấp tài sản thì xảy ra mâu thuẫn, cãi vã dẫn tới việc Thanh dùng dao nhọn gây ra vụ thảm án.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-cung-co-bo-sung-luc-luong-bao-ve-ho-tro-tu-phap-tai-tru-so-toa-an-post164890.html