Cần đa dạng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đa dạng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn từ tịch thu phương tiện đến lao động công ích để tăng tính răn đe.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Theo đó, giao Bộ Công an phối hợp Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung các hình thức xử phạt hành chính như bắt buộc lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe đối với nhóm đối tượng vi phạm giao thông đường bộ.

Hoàn toàn ủng hộ chủ trương phạt lao động công ích đối với người vi phạm an toàn giao thông, TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nhiều nước đã áp dụng hình thức xử lý này.

"Nếu áp dụng hình thức này sẽ rất tốt, có ý nghĩa giáo dục cao đối với xã hội, đặc biệt với những người lái xe vi phạm", TS. Nguyễn Văn Thanh nói.

Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn của lái xe.

Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn của lái xe.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đây là hình phạt bổ sung nhằm hạn chế hành vi vi phạm tiếp theo.

"Hình thức xử lý này cũng là cách tuyên truyền để những người chưa vi phạm nhìn vào rút kinh nghiệm. Tuy nhiên nếu áp dụng lao động công ích thì phải có việc cho những người vi phạm làm, đồng thời có bộ phận quản lý. Với đối tượng vi phạm có độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau thì bố trí việc làm cho phù hợp", TS. Khương Kim Tạo băn khoăn.

Ông Tạo cho rằng nếu áp dụng hình phạt cho tất cả các đối tượng sẽ không khả thi. Thay vào đó, chỉ nên áp dụng với nhóm đối tượng có nồng độ cồn trên 0,4mg/1l khí thở kèm thái độ chống đối, bất hợp tác, phản kháng lực lượng chức năng.

"Nhóm này ngoài phạt tiền thì cần giáo dục mức độ cao hơn nên phải kèm thêm hình phạt lao động công ích", TS. Tạo đề xuất.

Các chuyên gia cho rằng cần thay đổi thói quen để ai cũng biết “đã uống rượu thì không lái xe”.

Các chuyên gia cho rằng cần thay đổi thói quen để ai cũng biết “đã uống rượu thì không lái xe”.

Trong khi đó, TS. Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội chia sẻ: TNGT liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ khoảng 36% số vụ, trong khi đó trên thế giới, tỷ lệ này chỉ 11 - 25%.

"Chúng ta mới chỉ xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao bằng cách tước bằng lái 2 năm, sau đó trả lại mà chưa có quy định phạt tù hoặc tịch thu phương tiện", TS. Huyền nói.

Cũng theo TS Huyền, cần đa dạng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe. Trong đó, có thể quy định xử phạt với mức trên 0,4 miligam/lít khí thở, chia cụ thể thành từng khung như: 0,4 - 0,8 miligam/lít khí thở; 0,8 - 1,2 miligam/lít khí thở và trên 1,2 miligam/lít khí thở.

"Không để tình trạng người uống 1 cốc bia cùng mức phạt với người uống 10 cốc. Mức xử phạt cần đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm… Và nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù", vị chuyên gia đề xuất.

Thảo Phượng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-da-dang-hinh-thuc-xu-phat-vi-pham-nong-do-con-de-tang-tinh-ran-de-169230421153707367.htm