Cần đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng pháp luật
'Tập trung rà soát, tăng cường phân cấp phân quyền tối đa có thể; song song với đó là phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi' là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 diễn ra ngày 24/7.
Tại phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 7, Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua 5 nội dung quan trọng, gồm 2 đề nghị xây dựng luật: Tình trạng khẩn cấp, Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi). Đặc biệt, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một đề án lớn từng được đề cập từ nhiều năm trước, Bộ Chính trị đã có kết luận, cần sớm cụ thể hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất coi trọng công tác này. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội; thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm pháp luật. Thủ tướng lưu ý, ngoài việc coi trọng về số lượng, kịp tiến độ còn phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị, bên cạnh xây dựng luật, cần chú trọng xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn để sau khi dự án luật được Quốc hội thông qua, luật sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!