Cần đánh giá đầy đủ về tự chủ bệnh viện

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thảo luận ở nghị trường đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất về việc cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp.

Người dân đến làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Quan.

Người dân đến làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Quan.

Phân loại mức độ tự chủ

Đơn cử như đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách. Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Đáng lưu tâm là một số đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K - là những bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện và thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi thực hiện tự chủ để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách. Trong khi rất nhiều các cơ sở y tế bấy lâu nay mong chờ được tự chủ và thực tế cơ chế tự chủ đang được thực hiện khá thành công ở các trường ĐH. Ông Cường nhấn mạnh, việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập.

Nhấn mạnh cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho biết, các cơ sở y tế công lập hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật có mục về tài chính khám, chữa bệnh nhưng lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đề nghị bổ sung điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập, trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước hay tỷ lệ đảm bảo kinh phí; đồng thời cần đi kèm tự chủ về mặt chuyên môn, nhân lực, quyền được mua sắm, đấu thầu... Cùng với đó, theo bà Thu, việc phân loại mức độ tự chủ của bệnh viện công lập cần gắn với phân loại bệnh viện; việc phân loại bệnh viện phải dựa trên cơ sở đánh giá chất lượng bệnh viện. Do đó, cần xem xét, nghiên cứu để luật hóa một số quy định của Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với đặc thù ngành y tế nhất…

Trước các ý kiến liên quan đến xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc quy định khái quát hình thức thu hút nguồn lực xã hội vẫn chưa hợp lý vì không có nội dung, không chỉ rõ các hình thức xã hội hóa cụ thể làm cơ sở để giải quyết các tồn tại, bất cập hiện hành, chưa đáp ứng được thực tiễn. Hoạt động liên quan đến xã hội hóa và đầu tư tương đối đa dạng, phong phú, chịu sự điều chỉnh của một số luật khác có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu phương án quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh

Theo ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được nhiều người hoan nghênh là việc các bệnh viện được công nhận, liên thông kết quả khám, chữa bệnh. Tức là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả của cơ sở khám, chữa bệnh này có thể được cơ sở khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp được các bệnh nhân tiết kiệm được chi phí tiền bạc, thời gian. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho rằng: Nếu không được công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, có những bệnh nhân khi chuyển sang bệnh viện khác điều trị lại lại phải đi xét nghiệm, chiếu chụp từ đầu gây tốn kém, vượt mức chi trả của nhiều gia đình.

Trao đổi bên lề tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, tình trạng người dân tới khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện lớn của Hà Nội vẫn phải xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng, thậm chí phải chen lấn, là rất bất cập. Ông Nghĩa nêu ý kiến, nếu các bệnh viện công áp dụng chuyển đổi số, bệnh nhân có thể đăng ký qua mạng, App tại nhà và đúng ngày giờ đó có thể đến bệnh viện để khám, chữa bệnh. Như vậy, bác sĩ sẽ đỡ vất vả, còn người bệnh không phải chen lấn, chờ đợi xếp hàng mệt mỏi, rất lãng phí thời gian. Tại một số bệnh viện tuyến đầu, quy trình xếp sổ, lấy số khám bệnh, đợi chờ xét nghiệm đang tiêu tốn lớn thời gian. Các quy trình hướng dẫn bệnh nhân tới viện khám, tư vấn dịch vụ chữa bệnh cần bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này bởi đây là điều các đại biểu, nhân dân, cán bộ ngành y tế mong mỏi.

An Thái

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-danh-gia-day-du-ve-tu-chu-benh-vien-5700449.html