Cần đánh giá rủi ro và bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Chiều 12/5, tại Tổ 17, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tham gia thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, kiến nghị nhiều nội dung nhằm tăng cường tính khả thi và bảo đảm quyền riêng tư của công dân.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phân loại dữ liệu cá nhân theo mức độ rủi ro, từ đó xác lập nghĩa vụ xử lý tương ứng. Ông đề xuất bổ sung Điều 6 a vào dự thảo luật để quy định rõ 3 nhóm dữ liệu: cơ bản, nhạy cảm và đặc biệt nhạy cảm, kèm theo điều kiện bảo vệ tăng cường như mã hóa, lưu trữ riêng biệt và đánh giá tác động với các hệ thống AI, ra quyết định tự động hoặc quy mô lớn.

Về quy định ghi hình nơi công cộng tại Điều 21, đại biểu cho rằng cần tách bạch rõ trách nhiệm giữa cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân tư nhân. Theo ông, cơ quan Nhà nước có thể không cần sự đồng ý nếu phục vụ quốc phòng, an ninh nhưng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ dữ liệu. Trong khi đó, tổ chức, cá nhân chỉ được ghi hình không cần đồng ý nếu chứng minh được tính cần thiết, tương xứng và không gây tổn hại quá mức đến quyền riêng tư.

Đáng chú ý, đại biểu kiến nghị yêu cầu thực hiện đánh giá tác động bảo vệ dữ liệu (DPIA) trước khi ghi hình mà không có sự đồng ý – theo hướng tương thích với thông lệ quốc tế như GDPR (Châu Âu), PDPA (Singapore), nhằm tránh tình trạng “ghi hình tràn lan”.

Toàn cảnh Tổ thảo luận.

Toàn cảnh Tổ thảo luận.

Về nghĩa vụ thông báo khi ghi hình, đại biểu cho rằng dự thảo còn quá chung chung. Ông đề xuất bổ sung quy định bắt buộc phải có biển báo rõ ràng, minh bạch, ghi thông tin về bên xử lý dữ liệu, mục đích sử dụng, thời gian lưu trữ, quyền của người bị ghi hình và cách tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc luật cần giới hạn rõ ràng mục đích sử dụng và thời gian lưu trữ dữ liệu, tránh tình trạng thu thập dữ liệu vô thời hạn hoặc sử dụng sai mục đích như nhận diện khuôn mặt, phân tích hành vi.

Đại biểu còn đề nghị thiết lập giới hạn quyền truy cập và chia sẻ dữ liệu hình ảnh, chỉ cho phép tổ chức thu thập hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được tiếp cận. Việc chia sẻ bên thứ ba chỉ được thực hiện khi có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho thấy sự thận trọng và trách nhiệm trong việc xây dựng một đạo luật phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số, bảo vệ công dân trong không gian dữ liệu hiện đại.

Cuối cùng, ông đề xuất bổ sung quy định ngoại lệ có điều kiện đối với các trường hợp không thể thông báo, như ghi hình phục vụ điều tra hình sự, an ninh quốc gia hoặc tại các địa điểm công cộng rộng lớn, kèm theo tiêu chí giám sát cụ thể do Chính phủ hướng dẫn.

Phát biểu của đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho thấy sự thận trọng và trách nhiệm trong việc xây dựng một đạo luật phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số, bảo vệ công dân trong không gian dữ liệu hiện đại.

Thúy Hằng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-danh-gia-rui-ro-va-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-nhay-cam-a38927.html