Cần đánh giá toàn diện, có giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại

Trong ngày làm việc thứ 2 (6-12) của Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiều vấn đề còn khó khăn, bất cập thời gian qua đã được các đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, cho nhiều ý kiến thảo luận về những vấn đề cử tri quan tâm phản ánh; thảo luận các tờ trình, dự thảo nghị quyết và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025.

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐỐI VỚI KHU VỰC NGOÀI NHÀ NƯỚC

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu có ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực trong thời gian qua. Đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể là UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực năm 2024; kết quả triển khai đảm bảo chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điềm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN, lãng phí, tiêu cực và theo quy định của pháp luật về PCTN, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp cho thấy, một số nội dung chưa đánh giá đúng theo quy định hiện hành.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trương Văn Chung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy cho rằng, theo báo cáo của UBND tỉnh về kết quả PCTN, lãng phí, tiêu cực năm 2024 trên địa bàn tỉnh, thì trên địa bàn tỉnh hiện có 51 doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Đại biểu cho rằng, nếu đánh giá như vậy là chưa đầy đủ. Tại khoản 9 Điều 3 Luật PCTN quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội. Còn tại khoản 10 Điều 3 quy định: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 3.

Được biết, đến thời điểm tháng 10-2024, toàn tỉnh có 6.231 doanh nghiệp, đây là số lượng rất lớn so với con số 51 doanh nghiệp tỉnh báo cáo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ từng bước mở rộng hoạt động PCTN, lãng phí, tiêu cực ngoài khu vực nhà nước. Ngoài ra, năm 2022, UBND tỉnh có ban hành Công văn 7501 hướng dẫn công tác PCTN khu vực ngoài nhà nước. Trong công văn này cũng có xác định đối tượng cụ thể nhưng vẫn chưa đầy đủ theo quy định của Luật PCTN.

Vì vậy, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại đánh giá công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đối với khu vực ngoài nhà nước cho đúng với quy định cũng như đúng với chủ trương của Đảng.

THẢO LUẬN NHIỀU VẤN ĐỀ CÒN HẠN CHẾ

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề còn khó khăn, bất cập thời gian qua như: Việc thu hút đầu tư Nhà máy xử lý rác, nhất là việc xử lý vỏ trái cây như vỏ sầu riêng, xoài, mít… Vấn đề khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là những di tích cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu cho rằng, du lịch được xem là ngành “công nghiệp không khói” có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Riêng đối với Tiền Giang, đây là thế mạnh vì có rất nhiều lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Tuy nhiên, vừa qua, Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2024 thì TP. Hồ Chí Minh có 12 điểm đến, Vĩnh Long có 3 điểm đến, Cần Thơ có 8 điểm đến, Bạc Liêu có 4 điểm đến, Bến Tre có 5 điểm đến…; còn Tiền Giang chỉ có 1 điểm đến. Đây là vấn đề cần suy nghĩ và có giải pháp đột phá cho du lịch Tiền Giang.

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận việc khai thác sử dụng Nhà văn hóa xã, ấp; tình trạng người dân xây dựng nhà trên hành lang lộ giới; nghiên cứu đầu tư một số tuyến giao thông đã quá tải; vấn đề quy định khu vực nuôi chim yến và tình trạng nuôi chim yến ở khu vực nội thành; các vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ tuyến cơ sở, cải thiện quy trình xét nghiệm và chẩn đoán, giải quyết các vấn đề về chuyển tuyến và chuyển tiếp giữa các cơ sở y tế, cũng như các vấn đề về giấy tờ, quy trình và chính sách trong lĩnh vực y tế… với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri tỉnh nhà.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Tại đây, các đại biểu cũng đã cho nhiều ý kiến thảo luận về những hạn chế còn tồn tại, đề ra giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn năm 2025. Đồng thời, thảo luận đối với các tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết được trình ra kỳ họp.

Trong đó, nhiều đại biểu tập trung thảo luận nội dung Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết Quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, các vấn đề chính được nêu ra bao gồm sự cần thiết hay không cần thiết quy định trong Nghị quyết một điều, khoản chuyển tiếp theo Điều 25 của Luật Đất đai. Bởi tại khoản 10 Điều 255 của Luật Đất đai 2024, quy định đối với dự án đầu tư đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đấu thầu từ ngày 1-7-2014 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giao đất, cho thuê đất mà thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13, pháp luật có liên quan và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, chủ đầu tư.

Do đó, trong Nghị quyết của HĐND tỉnh nên quy định một điều khoản trực tiếp trong Nghị quyết về những trường hợp đã được lựa chọn nhà đầu tư có quy định chủ trương đầu tư theo đúng quy định pháp luật, thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024. Điều này nhằm tạo sự rõ ràng, cụ thể khi vận dụng Nghị quyết, đảm bảo các trường hợp đã được lựa chọn nhà đầu tư trước đó được tiếp tục thực hiện.

Tại phiên thảo luận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nêu các vấn đề liên quan đến việc áp dụng Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới nhưng lại rất “cập rập” về thời gian và quá trình thực hiện nên sẽ không khỏi còn phát sinh những vấn đề nằm ngoài quy định của luật cũng như những nội dung chưa sát thực tế.

Vì vậy, đồng chí đề nghị, các cơ quan liên quan, địa phương cần rà soát lại những vấn đề còn bất cập, còn vướng, tổng hợp báo cáo lên các đơn vị có chức năng và gửi về Trung ương xem xét kịp thời điều chỉnh.

HOÀI THU - TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202412/phien-thao-luan-to-ky-hop-thu-15-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-can-danh-gia-toan-dien-co-giai-phap-khac-phuc-nhung-han-che-con-ton-tai-1028700/