Sau hợp nhất, tên gọi dự kiến của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT là gì?
Bộ GTVT và Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ Đề án hợp nhất hai Bộ này với tên gọi mới dự kiến sau hợp nhất là Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải.
Theo Kế hoạch số 141/KH-BCDDTKNQ18 ngày 6/12/2024 của Ban chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trong đó định hướng cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất Bộ GTVT và Bộ Xây dựng với tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là “Bộ Phát triển hạ tầng” hoặc “Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn”.
Tuy nhiên, qua bàn bạc, trao đổi và thống nhất, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đề xuất tên Bộ sau khi hợp nhất là: “Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải” .
Nguyên nhân theo Đề án nêu, Bộ Xây dựng, tiền thân là Bộ Kiến trúc, thành lập năm 1958 đến nay đã hơn 65 năm. Bộ GTVT, tiền thân là Bộ Giao thông công chính thành lập từ năm 1945, đến nay đã gần 80 năm.
Bộ Xây dựng và Bộ GTVT hiện nay đang quản lý các vấn đề liên quan đến Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; Quy hoạch điểm dân cư nông thôn; Kiến trúc nông thôn; hạ tầng kỹ thuật nông thôn…
Đối với các nhiệm vụ liên quan đến khu vực “nông thôn” theo tên gọi và gợi ý của Ban chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, 2 Bộ sẽ đề xuất bổ sung các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến phát triển nông thôn để làm rõ và cụ thể hóa các định hướng của Ban chỉ đạo.
Bộ Xây dựng và giao thông vận tải là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị và nông thôn; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng;
Giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Số đầu mối của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 44 đơn vị trong đó Bộ Xây dựng 19 đơn vị; Bộ GTVT 25 đơn vị.
Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 29 đơn vị (giảm 15 đơn vị tương đương 34%).
Khối đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 32 đơn vị (trong đó Bộ Xây dựng 11 đơn vị; Bộ GTVT 19 đơn vị).
Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 23 đơn vị (giảm 9 đơn vị tương đương 28%).
Số doanh nghiệp do 2 Bộ làm đại diện chủ sở hữu trước khi hợp nhất là 14 doanh nghiệp (Bộ Xây dựng 6 doanh nghiệp; Bộ GTVT 8 doanh nghiệp).
Dự kiến sau sắp xếp, hợp nhất, Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải là chủ sở hữu của 19 doanh nghiệp.