Cần đặt môi trường vào vị trí trung tâm để phát triển bền vững
Ngày 21-12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Trong đó, nổi bật là thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước.
Hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.
Công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương.
Mục tiêu tổng quát của ngành trong năm 2025 là chính sách, pháp luật được hoàn thiện, bao quát toàn diện các lĩnh vực của ngành; tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được đẩy mạnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước của Bộ và các địa phương; các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; chất lượng môi trường được cải thiện, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm; chủ động, linh hoạt trong huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời tình hình khí tượng và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống, ứng phó.
Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, để phát huy nguồn lực về tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Tạo sự chuyển biến căn bản về tư duy và hành động đối với công tác bảo vệ môi trường. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông, ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chuyển đổi xanh nhằm hướng tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, hội nghị diễn ra vào thời điểm có tính lịch sử, bởi ngành Tài nguyên và Môi trường sắp chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Phó thủ tướng đánh giá, ở thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ hội rất lớn. Hai bộ có mối quan hệ gắn bó. Đặc biệt, nếu bộ này làm tốt thì bộ kia sẽ hưởng lợi và ngược lại. Từ góc độ này có thể thấy, hai bộ hợp nhất sẽ thành một mô hình phát triển.
Theo Phó thủ tướng, sau khi hai bộ hợp nhất, phải thay đổi và giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Phó thủ tướng cho rằng, cần đặt môi trường vào vị trí trung tâm để phát triển. Môi trường quyết định đến sự tồn vong và phát triển, do đó cần thay đổi về nhận thức và luật pháp trong cách quản lý; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung đầu tư tư duy, tổ chức lại mô hình quản lý.