Cần đầu tư 'tới mức' cho nông nghiệp
Tại phiên thảo luận tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị đầu tư 'tới mức' cho nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Sáng 23.5, thảo luận Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ, Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định) về tình hình kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt để giải quyết được các điểm thắt ở các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề cần trao đổi để có giải pháp sâu rộng hơn.
Đầu tiên là vấn đề nông nghiệp. Thời gian qua, biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). “Chính phủ cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp để thích ứng với tình trạng này hoặc nghĩ về phương án tích nước ngọt”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nói.
Cũng theo đại biểu, các báo cáo của Chính phủ luôn khẳng định vai trò chủ đạo của ngành nông nghiệp nhưng đầu tư cho nông nghiệp còn yếu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới có thể chọn “thuận thiên”, hoặc can thiệp bằng kỹ thuật.
"Có những quốc gia khô hạn nhưng vẫn phát triển nông nghiệp mạnh như Israel nhờ giải pháp kỹ thuật. Ở ĐBSCL, Bạc Liêu hiện đã có thể nuôi tôm trong nhà màng. Như vậy có thể thấy giải pháp can thiệp kỹ thuật là con đường phải đi trong tương lai. Do đó, cần đầu tư “tới mức” để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề nghị.
Với Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết 45/2022/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trong đó, có việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Tuy nhiên, việc này hiện tiến triển chậm, vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hỗ trợ triển khai.
Vấn đề thứ hai là hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Thanh Phương ghi nhận việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Trước thực tế này, đại biểu Trần Thanh Phương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh giải pháp sử dụng cát biển, bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông để các công trình bảo đảm tiến độ.
Biến động thị trường vàng là do đầu cơ, lũng đoạn
Cũng ghi nhận các kết quả tích cực về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ trên thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo, tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.
Trong đó, kết quả thu ngân sách năm 2023 rất tích cực, vượt 8,2%, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2023 như xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023 đạt khoảng 13,57 triệu tỷ đồng, tăng 13,78% so với năm 2022.
"Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao những kết quả hết sức tích cực này", đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định.
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: H.Lan
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, không thể không nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường, ví dụ thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
"Đối với thị trường vàng, chúng ta có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi", đại biểu Tạ Thị Yên nhận định.
Đối với thị trường bất động sản, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh.
"Nhà ở xã hội có nơi thừa, nơi thiếu; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp. Cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn; người dân rất mong mỏi, chờ đợi, nhưng lại chậm được triển khai thực hiện", đại biểu đề nghị.
Tương tự với nhà tái định cư, tại quận Bình Tân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh thừa 14.000 căn; ở Hà Nội cũng có hàng nghìn căn hộ bỏ hoang như ở quận Long Biên, Cầu Giấy…
Điều này làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân vẫn thiếu chỗ ở. "Tôi thấy chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan", đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Giải pháp cho vấn đề nhà tái định cư dư thừa, bỏ hoang, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, nên điều chuyển sang làm nhà ở xã hội.