Cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng chè Shan tuyết cổ thụ
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20.810 ha chè, trong đó chè Shan tuyết chiếm 90% tổng diện tích chè với 18.726 ha. Trong số diện tích chè Shan tuyết, có 7.167 ha là chè cổ thụ, có cây có tuổi thọ đến vài trăm năm.
Chè Shan tuyết là cây trồng bản địa của cộng đồng các dân tộc Hà Giang. Chỉ nhìn vào những cây chè Shan tuyết cổ thụ còn sống đến ngày nay có thể thấy người dân nơi biên cương Tổ quốc đã trồng chè trên dưới 500 năm trước. Vì vậy, hiện nay tỉnh ta là một trong những những tỉnh có sản phẩm chè Shan nổi tiếng cả nước.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, cây chè Shan tuyết cổ thụ được được trồng nhiều ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Trong đó, huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần có 100% là diện tích chè Shan cổ thụ.
Ông Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Cây chè Shan tuyết thích hợp sống ở độ cao 500 – 1.500m so với mặt nước biển. Nước chè (trà) là thức uống phổ biến của người Việt cũng như nhiều nước trên thế giới; có tác dụng chữa bệnh, kháng sinh tốt, vitamin trong những búp chè cổ thụ rất tốt cho sức khỏe, chống nhiều bệnh tật như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, chống lão hóa, sảng khoái tinh thần... Vì vậy những năm qua, cây chè được tỉnh ta xác định là cây mũi nhọn, giúp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án chuyên đề tập trung phát triển cây chè theo chuỗi để nâng cao giá trị cây chè, gắn với sản xuất chè VietGAP, hữu cơ gắn với sự liên kết với các HTX, doanh nghiệp… thành lập các HTX chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè tại các cơ sở có vùng chè tập trung lớn. Hướng dẫn quản lý phân vùng nguyên liệu giữa người sản xuất chè với người chế biến và tiêu thụ. Xúc tiến, quảng bá sản phẩm và thúc đẩy tăng cường hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cải tạo, nâng cấp cải tiến công nghệ chế biến chè.
Tuy nhiên, số liệu thống kê đã minh chứng cây chè Shan tuyết nói chung, chè Shan tuyết cổ thụ nói riêng chưa phát huy được giá trị vốn có. Sản lượng chè Shan tuyết cổ thụ mới đạt trên 14.000 tấn/7.167ha. Trong khi đó, bình quân giá chè Shan tuyết tươi ở mức 12.000 đồng/kg, chè khô 200 – 300 nghìn đồng/kg. Một số vùng như Túng Sán (Hoàng Su Phì), Cao Bồ, Thượng Sơn (Vị Xuyên), giá chè Shan tuyết cổ thụ loại 1 tôm (búp) 1 lá, 1 tôm, 2 lá hoặc nguyên tôm có giá từ 25 đến trên 200 nghìn đồng/kg tươi, chè khô có loại lên tới 2 – 3 triệu đồng/kg. Tuy nhiên số lượng không đáng kể, và thu nhập chè Shan tuyết bình quân mới chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, chưa ổn định do giá thành lên, xuống thất thường. Điều này cho thấy chè Shan tuyết cổ thụ vẫn còn rất nhiều tiềm năng, giá trị đang bỏ ngỏ, chưa được khai thác triệt để.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, chia sẻ: Những cây chè Shan tuyết cổ thụ với tuổi thọ lên tới hàng trăm năm là “báu vật” đối với người trồng chè nói riêng, tỉnh ta nói chung. Cần khai thác và phát huy tối đa giá trị diện tích chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh. Cần để mỗi sản phẩm sản xuất từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ phải cho thực khách thấy được giá trị của những cây chè cổ thụ khác những cây chè tuổi thọ thấp như thế nào. Đó không chỉ là việc làm của người trồng chè, doanh nghiệp, HTX mà cần sự vào cuộc của các cấp, ngành của tỉnh.
Hiện nay sản phẩm chè của tỉnh đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, quần thể chè Shan tuyết cổ thụ của huyện Hoàng Su Phì đã được công nhận là Cây di sản. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng ngoài những sản phẩm chè khô truyền thống, có thể đẩy mạnh chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như: Hồng trà, bạch trà, hay tinh bột trà xanh... Cùng với đó, khai thác những diện tích chè Shan tuyết cổ thụ phục vụ du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm. Bởi theo những người thích thưởng thức trà, cây chè Shan tuyết cổ thụ và các sản phẩm từ chè còn có giá trị rất lớn về bản sắc văn hóa, lịch sử, gắn với cộng đồng dân cư, dòng họ ở các địa phương nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung. Cùng với đó, tiếp tục tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị các sản phẩm chè bằng quy trình sản xuất VietGAP và hữu cơ gắn với sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; tăng cường xúc tiến thương mại với nhiều hình thức như đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, tìm kiếm thị trường mới để có đầu ra ổn định lâu dài...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định cây chè là một trong 5 loại cây trồng chủ lực của tỉnh và được đưa vào trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, việc đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng, cải tạo các diện tích chè già, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chè. Khai thác tối đa tiềm năng, giá trị cây chè và các sản phẩm chè để tiếp tục nâng tầm sản phẩm chè Shan tuyết của tỉnh là yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp cần làm. Qua đó nâng cao đời sống cho người trồng chè, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Duy Tuấn