CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ NỘI LUẬT HÓA CÁC CHÍNH SÁCH VỀ THUỂ TỐI THIỂU TOÀN CẦU
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6. Theo đó, từ 1/1/2024, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế. Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế này, theo rà soát của cơ quan thuế.
Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Trong khi đó, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi, nên các tập đoàn đa quốc gia đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nghị quyết này. Tức là, với nhà đầu tư nước ngoài tới đây khi vào Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi giảm thuế, sau đó họ phải nộp lại khoản ưu đãi giảm thuế này, và có thể được hỗ trợ bổ sung ngoài thuế.
Vì thế, Quốc hội giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Chính sách này nhằm ổn định môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích. Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ cần đánh giá tổng thể các chính sách ưu đãi thuế hiện nay và sớm sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế.
Trước khả năng doanh nghiệp phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam sẽ khiếu kiện nếu họ muốn nộp khoản thuế này về nước mẹ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chủ động có giải pháp và phương án xử lý phù hợp nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện để đảm bảo môi trường đầu tư. Cũng theo nghị quyết, khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ được đưa vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi sửa đổi. Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025. Việc này nhằm đảm bảo giữ quyền đánh thuế với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.Theo các chuyên gia, việc thiết kế các ưu đãi đi kèm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu là đúng đắn và cần thiết để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư.
Có thể thấy, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam phải là các công ty thành viên của các tập đoàn đa quốc gia, với một trong số các tiêu chí là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty đó thực tế phải chịu nhỏ hơn mức thuế suất tối thiểu là 15%. Do đó, một khi Việt Nam áp dụng quy định về QDMTT, rõ ràng ưu đãi đầu tư đối với các công ty thành viên của Tập đoàn đa quốc gia (MNE) sẽ bị ảnh hưởng. Điều này có vẻ sẽ phạm quy định được đề cập tại Khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư 2020 nêu trên.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết để áp dụng ngay từ 1.1.2024 là rất phù hợp và cần thiết, bảo đảm thích ứng kịp thời với lộ trình chung của các nước trên thế giới; đồng thời trên cơ sở đó cũng cần tính đến các chính sách hỗ trợ những nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Chính sách hỗ trợ này cần đa dạng, điều quan trọng nhất là phải giúp các nhà đầu tư lớn được đón nhận những điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tiết kiệm chi phí đầu vào cũng như chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi nên sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, các tập đoàn đa quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam sẽ phải tuân thủ đồng thời quy định của cả Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị quyết. Theo đó, nhà đầu tư sẽ vẫn được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, sau đó sẽ phải nộp bổ sung khoản thuế chênh lệch khi được ưu đãi. Vì vậy, đồng thời với việc ban hành Nghị quyết, Chính phủ phải có đánh giá tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hiện nay và cũng cần tính đến phương thức hỗ trợ theo hướng giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, hỗ trợ hạ tầng logistics, tiếp cận thị trường, tạo ra không gian phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.
Cần nhanh chóng nội luật hóa các chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu
Trên thực tế, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đặt ra vấn đề này tại các diễn đàn, hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu, tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải đáp một cách rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng nếu trường hợp Việt Nam không cần hành động thì các công ty thành viên của các Tập đoàn đa quốc gia (MNE) đang hoạt động tại Việt Nam vẫn phải chịu thuế bổ sung, vì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mà các công ty này đang hưởng ở dưới mức 15%.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Công Ty Luật TNHH HM&P, việc Việt Nam lựa chọn áp dụng vì không muốn mất đi nguồn thu thuế có thể sẽ được thu bởi quốc gia khác. Đồng thời, vì việc “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế” thuộc về quyền hạn của Quốc hội, do đó, Quốc hội cần ban hành thêm văn bản pháp luật để quy định về thuế tối thiểu toàn cầu trong trường hợp này. Việc ban hành văn bản pháp luật liên quan đề cập đến QDMTT và IIR đã khiến cho lợi ích từ việc ưu đãi đầu tư (miễn thuế, giảm thuế suất) trước đó không còn nữa. Do vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài là các công ty thành viên của Tập đoàn đa quốc gia( MNE) đề cập đến vấn đề bảo đảm ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 là hợp lý, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần lưu ý đến quy định này để có thể đưa ra những hướng xử lý phù hợp, tránh làm phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan Nhà nước trong hoạt động đầu tư.
Hiện nay, ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư, Luật Đầu tư 2020 còn quy định các chính sách về hỗ trợ đầu tư như: Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ tín dụng; Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước; Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Trên thực tế, các hình thức hỗ trợ đầu tư này vẫn chưa được áp dụng nhiều, do đó, trong bối cảnh phải đưa ra các chính sách cụ thể để bù đắp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cơ quan có thẩm quyền có thể tập trung xây dựng các quy định chi tiết để áp dụng các hình thức này.
Về lâu dài, theo các chuyên gia, Việt Nam không chỉ quan tâm đến quyền lợi của các doanh nghiệp hiện hữu đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, mà còn phải quan tâm đến việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư mới. Rõ ràng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động rất lớn đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi mà thuế vẫn là một trong các chính sách quan trọng nhất để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với đặc thù của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Để có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải tính đến các giải pháp “phi lợi ích vật chất” khác cho các nhà đầu tư, đơn cử như việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách mạnh mẽ hơn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tăng cường hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư,…
Có thể thấy, việc nội luật hóa các chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay đang là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam để bảo vệ lợi ích của quốc gia, tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền vẫn cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng về những rủi ro pháp lý khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng như sự “được – mất” khi nội luật hóa các chính sách này. Từ đó đề ra các giải pháp để vẫn bảo đảm ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng/nhà đầu tư mới và vẫn tuân thủ các quy tắc chung của sân chơi toàn cầu.
Nếu không có những hành động kịp thời, hoặc chậm trễ trong việc triển khai TTTTC, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024. Nếu Việt Nam không tiến hành những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với TTTTC, thì Việt Nam có thể bị “bỏ lại phía sau” trong việc thu hút FDI.
Các chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN của Việt Nam hiện tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập, như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí, đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền - có thể thực hiện bằng cách hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ.
Thực tế cho thấy, chính phủ một số quốc gia tại châu Á, châu Âu đã và đang cung cấp các khoản ưu đãi bằng tiền mặt cho các DN thực hiện các dự án trong một số lĩnh vực nhất định. Đây được đánh giá là một biện pháp khá hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, việc cân nhắc ưu đãi bằng tiền hoặc tương đương nên được xem xét trên cả khía cạnh ưu điểm và nhược điểm trong bối cảnh riêng của đất nước.
Những ảnh hưởng tới các doanh nghiệp FDI là không nhỏ và cấp bách, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hợp tác với các nước đang phát triển khác để đàm phán các điều kiện hạn chế, ngoại lệ, nhằm bảo vệ các lợi ích ưu đãi thuế của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cụ thể, dựa trên mức độ sử dụng lao động, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa phát triển kinh tế…; hoặc duy trì giai đoạn chuyển tiếp, gia hạn đăng ký, ví dụ 2-3 năm, đối với đầu tư vào các nước đang phát triển.
Việt Nam có thể đàm phán với các nước nơi nhà đầu tư nước ngoài cư trú, thành lập để ký các hiệp định song phương về việc không áp dụng Trụ cột 2 của OECD cho các dự án đầu tư cụ thể, các chuyên gia của EuroCham khuyến nghị và cho rằng, Việt Nam cũng có thể xem xét sửa đổi các luật thuế trong nước để đưa ra các chính sách khuyến khích thay thế, như ưu đãi dựa trên chi phí, miễn thuế nhập khẩu, thời gian hưởng ưu đãi thuế đất dài hơn…
Để thực thi Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện các thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, cần sớm rà soát và cải cách các quy định, cân nhắc chính sách hỗ trợ nhà đầu tư dựa trên cơ sở chi phí, thay vì dựa trên thuế suất như hiện tại, áp dụng đồng thời với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác. Các chính sách hỗ trợ cần được nghiên cứu áp dụng trên diện rộng (không giới hạn các đối tượng chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2) và cần được áp dụng theo lộ trình nhằm đảm bảo kết quả như mong muốn.
Ngoài ra, cải thiện thủ tục hành chính về đầu tư và các quy định đi kèm như hỗ trợ xuất nhập cảnh, lao động cho chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, hỗ trợ người lao động làm việc trong khu công nghệ cao... cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và kinh doanh, chú trọng các vấn đề về thể chế như cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ công nghệ cho nguồn nhân lực dưới hình thức cung cấp gói hỗ trợ công nhân lành nghề… cùng với đó là ưu đãi về đất đai, ưu đãi lãi suất cho vay với giai đoạn đầu tư của các dự án tiềm năng, hỗ trợ bằng tiền.
Cùng với đó, nhà nước cần tăng cường thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến và công nghệ mới, đơn giản hóa quy trình phát triển và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Việc đưa ra các hình thức hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh cũng là cách khuyến khích việc chuyển đổi năng lượng sạch và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết theo COP26.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83265