CẦN ĐẨY NHANH VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DTTSMN

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kt-xh vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Tại Phiên thảo luận Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022.

Theo đại biểu, năm 2021 là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra; nhiều địa phương đã phải thực hiện các biện pháp mạnh phong tỏa, giãn cách kéo dài, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, các hoạt động kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đơn cử, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó đã trao quyền cho Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; hay Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương để chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19;… Từ các nỗ lực nêu trên, đại biểu Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh, Việt Nam đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các kết quả nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đã minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng này.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ lạm phát, giá dầu thế giới ở mức cao; các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, thiếu hụt nguồn cung,…Cùng với đó, trong nước đang đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, chi phí sản xuất, logistis cao có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, làm cho đời sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; lãi suất ngân hàng có dấu hiệu tăng, tạo áp lực trong điều hành, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ổn định thị trường tài chính…

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Đình Việt nêu rõ, bối cảnh này yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội; vừa tập trung xử lý các vấn đề trước mắt như lạm phát, giá xăng dầu, trái phiếu doanh nghiệp, vừa phải giải quyết các vấn đề mang tính dài hạn, căn cơ về năng lực nội tại, sức cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế. Bám sát tình hình, kịp thời triển khai các giải pháp, chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ có được, nhất là phải chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định các chính sách về thu chi ngân sách nhà nước, thuế, phí, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực trong thực thi.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, ngoài những vấn đề đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm một số vấn đề như nguồn vốn và chi phí vốn vay; giá xăng dầu, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro thiếu hụt nguồn cung đầu vào…

Đại biểu Nguyễn Đình Việt chỉ ra rằng, khu vực doanh nghiệp có xu hướng phục hồi tốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và chi phí vốn vay; giá xăng dầu, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro thiếu hụt nguồn cung đầu vào… Trong khi đó, việc hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Nghị quyết 43/2022/QH15 chậm được triển khai. Theo đại biểu, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong năm 2022, doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, khó khăn về nguồn lực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, thích ứng với các mô hình, phương thức kinh doanh mới sau đại dịch COVID-19. Hay như Chương trình “sóng và máy tính cho em” đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Cùng với đó, báo cáo của Chính phủ cho thấy việc theo dõi, dự báo, điều hành ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa bám sát tình hình thực tiễn, có thể gây khó khăn, bị động trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là trong bối cảnh nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ, vốn vay là rất lớn cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Nguyễn Đình Việt cũng nhấn mạnh, năm 2020, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đây là chương trình được cử tri, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt quan tâm, kỳ vọng sẽ chuyển biến sâu sắc về kinh tế-xã hội, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn chậm, sau hơn 1 năm (ngày 14/10/2021), Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Chương trình; tháng 4/2022, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến phương án phân bổ vốn cho Chương trình và ban hành Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình. Ngày 19/5/2022, tại thông báo kết luận về dự kiến phương án phân bổ vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và yêu cầu có báo cáo giải trình rõ với Quốc hội về nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm báo cáo và phân bổ vốn của 3 Chương trình, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã-hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc chậm phân bổ, thực hiện và giải ngân có thể làm giảm hiệu quả thực hiện Chương trình, do đó đại biểu Nguyễn Đình Việt đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị Quốc hội tiến hành chuyên đề giám sát tối cao việc tổ chức thực hiện Chương trình này trong năm 2023./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=65057