Cần đến 200 nghìn tỷ đồng đầu tư cảng biển Việt Nam trong 10 năm tới
Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính có thể đến 200 nghìn tỷ đồng...
Bộ GTVT xác định công tác quy hoạch, phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 sẽ ưu tiên nguồn vốn cho cảng biển hiện đại, đồng bộ, không đầu tư phân tán, nhỏ lẻ - Ảnh minh họa
Ưu tiên nguốn vốn phát triển đồng bộ, không phân tán nhỏ lẻ
Theo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua có bước phát triển vượt bậc, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt.
Tính đến hết năm 2019, cả nước có 588 cầu cảng (gấp 4 lần năm 2000) với tổng lượng hàng hóa thông qua đạt hơn 664 triệu tấn (gấp 8 lần năm 2000). 10 năm qua, hệ thống cảng biển Việt Nam xuất hiện nhiều cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam, tiếp nhận tàu container đến 132.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến hơn 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). 32 tuyến vận tải biển cũng được kết nối đến cảng biển Việt Nam. Trong đó, 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa.
“
Đề án cũng nêu rõ sẽ ưu tiên các nguồn vốn đầu tư lớn đảm bảo phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại. Không đầu tư phân tán nhỏ lẻ tại các cảng biển, khu bến có quy mô lớn (bao gồm các cảng cửa ngõ quốc tế, cảng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội cả nước hoặc liên vùng).
”
"Tuy nhiên, hiện tại bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Việc triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất, đưa đất nước hội nhập sâu rộng và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển", nội dung đề án nêu.
Cũng theo đề án được xây dựng, tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính khoảng từ 150-200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư, đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng).
Trong đó, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng từ 35-40 nghìn tỷ đồng. Việc rót vốn đầu tư, phát triển cảng biển được bố trí theo thứ tự ưu tiên từ cấp 1-3.
Liên quan đến việc huy động nguồn vốn thực hiện, Bộ GTVT xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển theo quy hoạch thông qua các hình thức đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật.
Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề xuất các dự án luồng hàng hải cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp, phục vụ sự phát triển đồng bộ của cảng biển - Ảnh minh họa
Dự án nào được ưu tiên đầu tư?
Tại Đề án, đơn vị tư vấn cũng đã đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư. Trong đó, đối với cảng tổng hợp, container là xây dựng các bến tiếp theo thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu; Giai đoạn khởi động cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng); Di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng trên sông Cấm (từ cảng Đoạn Xá đến cảng Vật Cách) thuộc cảng biển Hải Phòng và khu bến trên sông Sài Gòn phù hợp với quy hoạch liên quan.
Đối với cảng chuyên dùng, đơn vị tư vấn đề xuất tập trung các bến cảng gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, các khu liên hợp công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện sử dụng than, khí thiên nhiên hóa lỏng và các bến cảng khách Quốc tế gắn với các trung tâm du dịch quốc gia.
Đối với luồng vào cảng, các đơn vị xây dựng Đề án kiến nghị tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng hàng hải: Hải Phòng; Hòn Gai - Cái Lân, Cẩm Phả (Nhóm 1). Luồng Nghi Sơn, Thanh Hóa; luồng Cửa Lò, Nghệ An (Nhóm 2). Luồng hàng hải Đà Nẵng (Tiên Sa - Thọ Quang, Liên Chiểu), luồng hàng hải Ba Ngòi, Quy Nhơn (Nhóm 3).
Đối với nhóm cảng biển thứ 4, đơn vị tư vấn đề xuất ưu tiên đầu tư, cải tạo các tuyến luồng: Sài Gòn - Vũng Tàu (đoạn từ phao Gành Rái đến rạch Thiềng Liềng), luồng hàng hải Soài Rạp, luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, luồng hàng hải sông Dừa.
Nhóm 5 là luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và luồng hàng hải Trần Đề (Sóc Trăng).