Cần điều chỉnh một số chính sách đãi ngộ nhân viên y tế
Sau khi khảo sát tại xã Suối Đá và Chà Là, ngày 25.8, đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (UBMTTQ) do ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân tại UBND huyện Dương Minh Châu.
Đoàn giám sát đặt ra nhiều vấn đề quan trọng và địa phương cũng giải trình rõ ràng, cụ thể, qua đó có cái nhìn toàn diện về ngành Y tế trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thiếu Bác sĩ chuyên khoa ở Trung tâm y tế
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát lưu ý, không nên và không được phân biệt đối xử giữa người có thẻ BHYT và người không dùng hoặc không có thẻ BHYT, khi họ đến khám, chữa bệnh.
“Báo cáo nói một số chính sách đãi ngộ nhân viên y tế chưa phù hợp, vậy cần chỉ ra chưa phù hợp điểm nào, nội dung nào thật cụ thể để từ đó có cơ sở tham mưu, đề xuất sửa đổi”- ông Phạm Thành Thật- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh phát biểu.
Bà Nguyễn Ngọc Phương- Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội và Trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH đề nghị làm rõ hơn chính sách chăm sóc y tế đối với một số nhóm đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em.
Bà Kim Thị Minh- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị bổ sung thông tin về vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân; ví dụ, những tổ chức đoàn thể góp công vận động người dân mua thẻ BHYT như thế nào, cần ghi nhận sự đóng góp đó, đồng thời đề nghị thông tin thêm về năng lực của lực lượng y tế tuyến xã, huyện trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu.
“Nội dung báo cáo cho thấy, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân chủ yếu do ngành chuyên môn (y tế) thực hiện. Vậy, vai trò của đoàn thể, các cấp lãnh đạo như thế nào, mối quan hệ, phối hợp ra sao”- ông Đặng Xuân Lãnh, thành viên đoàn giám sát nêu vấn đề. Ông Dương Đại Lộc- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu cho biết có nên tái lập Phòng Y tế cấp huyện không, cơ sở thực tế nào để thực hiện.
Giải trình một số nội dung đoàn giám sát đặt ra, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Dương Minh Châu thông tin, nhiệm vụ chi các chế độ, theo phân cấp quản lý, do ngân sách tỉnh cấp, địa phương không có thẩm quyền, vì vậy, ngành Y tế cần đề xuất lên trên để được xem xét giải quyết.
Đại diện Văn phòng UBND huyện Dương Minh Châu kiến nghị đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh xem xét cấp thêm kinh phí cho một số hoạt động trong lĩnh vực y tế cấp xã. Sau khi giải thể Phòng Y tế (sáp nhập về Văn phòng UBND huyện), xuất hiện khó khăn vì không phải địa phương nào cũng có chuyên môn về y tế.
Ông Huỳnh Ngọc Bảnh- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu khẳng định không hề có sự phân biệt trong khám, chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và không có BHYT. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, ông Huỳnh Ngọc Bảnh cho biết đang có nhiều bất cập cả của trung ương lẫn địa phương, “một số bác sĩ không muốn làm bộ phận hành chính vì phụ cấp thấp (chỉ 20% so với 40% khi làm chuyên môn). Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu hiện không thể nhổ răng cho người đau răng vì không có bác sĩ, chúng tôi phải tuân thủ quy định, không thể làm liều”- ông Bảnh nói về tình trạng thiếu bác sĩ.
Thông tin về chế độ chính sách, trong đó có Nghị quyết 47, đại diện Sở Y tế cho biết đang tích cực tính toán, đề xuất để sớm chi trả cho nhân viên trong ngành, nhưng “cũng phải chờ đến tháng 11.2023”. Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu Trần Thị Thu Hiền cho biết, dù đã rất cố gắng nhưng việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện còn không ít hạn chế, “chúng tôi thừa nhận điều này”.
Cán bộ y tế và tình nguyện viên xã Suối Đá chuẩn bị xuống địa bàn khoanh vùng và điều tra dịch tễ trong đợt dịch Covid-19 năm 2021. Ảnh: Vũ Nguyệt
5,2 Bác sĩ trên 1 vạn dân
Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu thông tin, do giải thể Phòng Y tế huyện, hiện tại y tế huyện không có cơ quan chuyên môn độc lập để tham mưu quản lý nhà nước về y tế.
Hệ thống y tế được trang bị một số trang, thiết bị hiện đại trong công tác khám, chẩn đoán và điều trị cho người bệnh như máy siêu âm 4D, máy đo điện não đồ, hệ thống oxy khí nén (được trang bị trong giai đoạn điều trị Covid-19), máy CT-scan. Đầu năm 2023, địa phương xây dựng mới khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế huyện với diện tích sàn xây dựng 1.513m2, tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng.
Trung tâm Y tế huyện triển khai hệ thống y học từ xa Telemedicine và hệ thống MUSE (là một hệ thống các máy điện tim được kết nối với nhau thông qua đường truyền internet, với Bệnh viện Đa khoa tỉnh là hạt nhân). Qua đó, các bác sĩ chuyên khoa tuyến trên chỉ đạo, hướng dẫn bác sĩ tại cơ sở trong việc chẩn đoán, xử trí cấp cứu, điều trị tại chỗ hoặc xử trí ban đầu thích hợp trước khi chuyển lên tuyến trên.
Huyện Dương Minh Châu hiện đạt tỷ lệ 5,2 bác sĩ/vạn dân, tăng 0,2 bác sĩ/vạn dân so với năm 2020, đạt 5,4 giường bệnh/vạn dân, không thay đổi so với năm 2020. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao chất lượng về chuyên môn; thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao y đức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn.
Tính đến tháng 7.2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 107.625 người/dân số là 120.042 người, chiếm tỷ lệ 89,66%, tăng 6.485 người so với năm 2020. Tuy nhiên tỷ lệ người tham gia BHYT giảm 1,57% (do biến động dân số tăng: năm 2020 là 110.862 người, năm 2023 là 120.042- tăng hơn 9.000 người).
Ngoài những thuận lợi, mạng lưới y tế cơ sở chưa ổn định về tổ chức bộ máy; sau nhiều lần thay đổi, hiện tại cấp huyện không còn cơ quan chuyên biệt tham mưu UBND huyện quản lý nhà nước về y tế, trong khi nhu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, kế hoạch trong lĩnh vực y tế.
Nguồn nhân lực y tế vẫn còn thiếu, đặc biệt đội ngũ bác sĩ; tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc còn diễn ra và có xu hướng ngày càng tăng. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực dẫn đến việc không bố trí đủ bác sĩ và đủ các chức danh nghề nghiệp tại các trạm y tế, khó đầu tư trang thiết bị hiện đại, vì không có cán bộ có chuyên môn phù hợp để vận hành, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy khả năng khám, chẩn đoán và điều trị bệnh của y tế cơ sở.
Chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế chưa phù hợp, tuy UBND tỉnh và Trung ương đã ban hành chính sách thu hút riêng cho y tế nhưng lực hút từ các chính sách chưa đủ lớn để kéo lực lượng y, bác sĩ từ khối tư nhân sang y tế công lập.
Kiến nghị “lên đời” Trường trung cấp y tế
UBND huyện Dương Minh Châu kiến nghị ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ nhằm động viên kịp thời, tạo sức hút cho lực lượng đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, đội ngũ y, bác sĩ đến công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tại trạm y tế các xã, thị trấn.
Sớm nâng cấp Trường trung cấp Y tế đủ năng lực đào tạo nhân lực y tế cho tỉnh nhà, đồng thời tăng cường liên kết với các bệnh viện, trường đại học thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý cho cán bộ y tế từ huyện đến xã.
Kết luận tại buổi giám sát, ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh ghi nhận tinh thần trách nhiệm của địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, vấn đề thiếu nhân lực, địa phương cần rà soát, có kế hoạch gửi đi đào tạo để “điền vào chỗ trống”.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế, ví dụ số lượng, tỷ lệ dân số tham gia BHYT có lúc chưa thống nhất. Trưởng đoàn giám sát lưu ý địa phương về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt căn-tin trong nhà trường, khi năm học mới sắp bắt đầu.